Căn cứ quan trọng kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện
Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, HĐND ban hành các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở để UBND và chính quyền các cấp thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của thủ đô. Để bảo đảm tính khoa học, bài bản và thống nhất trong tổ chức thực hiện, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành kế hoạch định hướng xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố cả nhiệm kỳ 2021 - 2026 và kế hoạch xây dựng nghị quyết hàng năm để đôn đốc UBND thành phố xây dựng, trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết.
Trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tại các nơi không tổ chức HĐND phường, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố và quận duy trì tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các thông tin nổi bật trên các cơ quan thông tấn báo chí, dư luận xã hội liên quan đến các chủ trương chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các vấn đề dân sinh bức xúc... Qua đó, toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ, chuyển tới UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo trả lời, giải quyết cụ thể; được xem xét, chuyển tải thành các nội dung phục vụ chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND thành phố. Đồng thời, tổng hợp thành cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động kỳ họp, TXCT, thẩm tra, giám sát theo thẩm quyền, bảo đảm đúng vai trò đại diện cho quyền lợi, ý chí của cử tri và nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết làm cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn; nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách thành phố; nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố… Đây là những căn cứ quan trọng để HĐND thành phố thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực và giám sát triển khai thực hiện, tạo tính hệ thống, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
Bảo đảm hoạt động quản lý hiệu quả, minh bạch
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả, có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều làm nên hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát, không để trùng lặp; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, trong đó có giám sát cấp thực thi ở dưới cấp sở ngành, quận, huyện; giám sát, tái giám sát đến cùng...
Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo xây dựng quy trình giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố; quy trình thẩm tra của các Ban của HĐND và quy trình tổ chức kỳ họp để chuẩn hóa các quy trình trong hoạt động. Qua đó, bảo đảm tính công khai minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần tăng cường việc kiểm soát quyền lực nhà nước tại thành phố thông qua việc theo dõi, đôn đốc, giám sát đối với các cơ quan thành phố.
Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND thành phố và xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường như: đẩy mạnh phối hợp giữa các Ban của HĐND; giữa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội với giám sát của Thường trực HĐND thành phố; phối hợp giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, thị đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh giám sát trực tiếp tới UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành thành phố, giám sát một số công trình, dự án cụ thể. Kết quả giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để chất vấn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; là căn cứ để xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố thường xuyên có văn bản đôn đốc, định hướng việc đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng, số lượng giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND quận, thị đối với hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường; yêu cầu các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND quận, thị xã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và Ủy ban MTTQ tại các phường trong việc giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và các cơ quan chuyên môn tại quận, thị xã và UBND, Chủ tịch UBND phường, hàng năm xây dựng kế hoạch để tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát chuyên đề...
Báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi tới UBND thành phố và các đơn vị - đối tượng giám sát để nghiên cứu, tiếp thu và triển khai thực hiện; đồng thời, được đăng trên Trang thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các Ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố.
Nhờ những nỗ lực đó, hoạt động giám sát của HĐND ngày càng được nâng cao, bảo đảm quyền thực thi pháp luật và thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội của bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển; nhiều khó khăn, hạn chế trong các lĩnh vực đã được tập trung chỉ đạo, khắc phục có hiệu quả, được nhân dân ghi nhận.