“Khu công nghiệp sinh thái” được thể chế hóa lần đầu tại Nghị định số 82 năm 2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, song trên thực tế, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái đã được thực hiện từ trước đó. Những kết quả tích cực bước đầu của một số mô hình đã mang lại giá trị cả về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Hiệu quả từ những mô hình tiên phong
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được biết đến là mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng. Được thành lập vào năm 2008 trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, do Công ty CP Shinec là chủ đầu tư, mục tiêu ban đầu của khu công nghiệp là thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ đóng tàu. Tuy nhiên, với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế cùng với sự đổi mới của cơ chế, chính sách, đặc biệt, Ban lãnh đạo công ty sớm xác định việc thực hiện ESG (bộ chỉ số về môi trường, xã hội và quản trị) sẽ mang tính tất yếu buộc phải tuân thủ để bảo đảm phát triển bền vững, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã vận động phát triển đa dạng trong thu hút các ngành nghề, trở thành đơn vị tiên phong của thành phố đăng ký chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 82 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái. Cũng trong năm này, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã triển khai hợp tác chiến lược với Trung tâm giảm thiểu Carbon Khu vực châu Á TP. Kitakyushu và Khu Ecotown Center ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái, từ đó từng bước hoàn chỉnh những tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái khắt khe mang tính toàn cầu.
Đến nay, Nam Cầu Kiền đã đáp ứng toàn bộ tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành. Khu công nghiệp đã lựa chọn các giải pháp sản xuất thân thiện hơn với môi trường thông qua lắp đặt điện năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm điện năng cho các thiết bị điện và giảm phát thải CO2. Đặc biệt, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp đã xây dựng được 3 mô hình cộng sinh doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả sản xuất và xử lý chất thải, bảo đảm giảm tối đa ảnh hưởng ra môi trường, gồm cộng sinh ngành thép, phụ trợ điện – điện tử và ngành nhựa. Hiện, khu công nghiệp đang xây dựng cộng sinh năng lượng xanh với hệ thống điện năng lượng mặt trời. “Chúng tôi đang có đề án phát triển điện mái toàn bộ khu công nghiệp với công suất 45MW, đang hợp tác với các doanh nghiệp để chuyển đổi công nghệ tiến tới Net Zero nhanh nhất”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, cho biết.
Với quyết tâm xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Nam Cầu Kiền còn chú trọng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, như kêu gọi các doanh nghiệp và đối tác tham gia chương trình Vì một Việt Nam xanh, hưởng ứng chiến dịch Trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam; thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, sự kiện về phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu…
Trong tổng số 263 ha đất khu công nghiệp, chỉ có hơn 167 ha đất đưa vào xây dựng công nghiệp, còn lại trên 40% diện tích đất dùng vào đất công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng, giao thông. Hiện, Nam Cầu Kiền đã thực hiện không rác thải rắn. Mục tiêu đến năm 2024 sẽ không có rác thải khi đáp ứng khả năng xử lý chất thải ngay tại khu công nghiệp; đến năm 2030 sẽ đạt Net Zero – “về đích” trước 20 năm so với mục tiêu chung của cả nước.
Đặc biệt, khu công nghiệp này còn phát triển du lịch sinh thái với khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên; bảo đảm trên 65% hệ sinh thái được phục hồi, tỷ lệ đạt đa dạng sinh học luôn ở mức cao nhất, với hơn 150 loài hoa, hơn 500 loài cây xanh, cây bóng mát, cây trồng lâu năm, 50 loài cây ăn quả, hàng chục ha thảm cỏ, mặt nước. Lượng khí thải được cắt giảm từ hoạt động của các loài cây xanh khoảng 7.000 tấn CO2/năm; lượng khí thải giảm dự kiến cắt giảm nhờ dự án lắp đặt điện năng lượng mặt trời toàn khu công nghiệp giảm lên tới 40.000 tấn CO2/năm…
Tương tự, Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) lựa chọn thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái từ 2018. Dưới sự tư vấn của chuyên gia UNIDO, khu công nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình cộng sinh công nghiệp. Chẳng hạn, sử dụng khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân để tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan; các nhà máy sử dụng thành phẩm của nhau (bao bì, nhiên liệu, nguyên liệu thành phẩm của nhà máy này để sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm khác). Hiện, nhiều mô hình đang tiếp tục bổ sung, đăng ký triển khai như phụ phẩm của nhà máy thạch cao trở thành nguyên liệu của nhà máy sản xuất xi măng; sử dụng khí nóng của nhà máy thép cho nhà máy phân bón bên cạnh…
Chỉ đạt hiệu quả cao nếu nhân rộng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, để bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển dịch theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu. Với khoảng 400 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ làm giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất độc hại; giảm phát thải khí nhà kính; các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và lợi nhuận; chia sẻ các tiện ích trong khu công nghiệp, nguyên vật liệu sản xuất (chất thải hay phụ phẩm của hoạt động này được sử dụng là nguyên liệu đầu vào của hoạt động khác); cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tăng chất lượng sống cho cộng đồng.
Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang sinh thái. Nếu được triển khai hiệu quả, chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn vào việc cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050.
Minh chứng là giai đoạn 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, thu hút 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết giảm được 22.000 MWh điện; trên 600.000 m3 nước sạch, giúp cắt giảm được 32 Kt khí CO2 hằng năm và huy động được 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân. Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện tại 3 khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh (Hiệp Phước), Hải Phòng (Đình Vũ), Đồng Nai (Amatar).
Theo các chuyên gia, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng. Tuy vậy, quá trình này hiện còn nhiều gian nan!
Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái
Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, để được xác định là khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí: Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25%; có giải pháp bảo đảm nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 3 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái; thực hiện ít nhất 1 cộng sinh công nghiệp; tối thiểu 20% doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn.