Xu hướng mới
Trong bối cảnh 4.0, internet ngày càng phủ rộng, các nền tảng xã hội phát triển phong phú và đa dạng; việc mua sắm hàng hóa thông qua các ứng dụng thương mại điện tử đã không còn lạ lẫm đối với người tiêu dùng. Nhiều người đã lâu không còn đi chợ, đi siêu thị, hay trung tâm thương mại như cách truyền thống, mà chỉ cần trên điện thoại hoặc máy tính là hàng có thể đưa đến tận nhà.
Có thể dễ dàng quan sát thấy dưới sân và sảnh các tòa nhà công sở, chung cư; trong các khu đô thị, khu công nghiệp, thậm chí là các vùng nông thôn hay miền núi; những người giao hàng sau kết quả của giao dịch mua bán trên điện tử thành công. Người tiêu dùng đã dần quen với việc tìm hiểu thông tin hàng hóa theo nhu cầu của cá nhân trên môi trường Internet, từ đó tham khảo và đặt hàng, thanh toán thông qua các ứng dụng di động, nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí do sự tiện lợi của loại hình kinh doanh này mang lại.
Đặc biệt, sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh hàng hóa trên thị trường đã có những chuyển biến rõ rệt về hình thức, cách thức kinh doanh. Các tổ chức cá nhân đã chủ động xây dựng và duy trì thường xuyên hoạt động kinh doanh thông qua môi trường Internet. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh theo mô hình truyền thống, bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng thì hoạt động kinh doanh online được duy trì song song cùng với nó là hình thức, cách thức tiếp cận khách hàng, cách thức giao nhận, vận chuyển và bán hàng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt, phát triển mạnh mẽ.
Cũng từ đó, nhiều loại hình kinh doanh online đã được hình thành dựa trên thị hiếu và thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Hoạt động kinh doanh không chỉ bó gọn tại các cửa hàng, quầy hàng hay tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần một không gian nhỏ có thể là nhà riêng, không nhất thiết phải có lợi thế thương mại như các hoạt động kinh doanh truyền thống. Kèm với đó là sử dụng thiết bị có kết nối Internet là đã có thể hoạt động kinh doanh mà không tốn chi phí thuê cửa hàng và các chi phí phát sinh khác. Chỉ cần cái điện thoại thông minh, người bán đã có thể đồng thời đưa sản phẩm của mình để kinh doanh qua các gian hàng tại các sàn thương mại điện tử như: shoppe.vn; lazada.vn, sendo.vn… và các ứng dụng mạng xã hội như facebook.com; zalo; Tiktok… Hoạt động kinh doanh cũng từ đó mà tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, giá thành hàng hóa cũng theo đó mà thấp hơn so với hoạt động kinh doanh truyền thống thông thường. Đây là một thách thức đối với các tổ chức, cá nhân không chủ động nắm bắt xu hướng kinh doanh trong giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay và có thể nói hoạt động kinh doanh online hiện đang trở thành xu hướng không thể thiếu đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường trong thời gian qua.
Vi phạm ngày càng tăng
Qua 2 năm thực hiện Đề án, số vụ việc xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện đã tăng từ 18% tổng số vụ xử lý (52 vụ) lên 31% tổng số vụ xử lý (104 vụ). Số tiền xử phạt tăng từ 819.040.000 đồng năm 2021 lên 1.491.500.000 đồng năm 2022, tăng 182%.
Cùng với sự tiện lợi và nhu cầu của người tiêu dùng đối với hoạt động bán hàng online, trong thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để kinh doanh hàng hóa là hàng giả, hàng lậu, hàng cấm vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều trường hợp khi chào bán, giới thiệu thì chất lượng đảm bảo, nhưng khi nhận hàng người tiêu dùng đã thất vọng, thậm chí không thể sử dụng được, nhưng đành chấp nhận, không biết kêu ai.
Nhận định rõ xu hướng, diễn biến của hoạt động kinh doanh hàng hóa nói chung và kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử nói riêng trên địa bàn TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2021, Đội Quản lý thị trường số 1 đã chủ động xây dựng Đề án “Sáng kiến và giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và mạng Internet trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2026” nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh online trên địa bàn.
Đây là kết quả đúc rút từ thực tế, từ các biện pháp nghiệp vụ để xác định các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, phức tạp.
Ví dụ: Trong năm 2021, Đội đã tiến hành kiểm tra, xử lý 52 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên tổng số 285 vụ việc kiểm tra, chiếm tỷ lệ 18%. Trong đó, có 3 vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet và 48 vụ vi phạm về gian lận thương mại, gian lận về thuế. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách là 819.040.000 đồng, chiếm 21% trên tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính của Đội năm 2021 là 3.944.750.000 đồng.
Nhìn lại năm 2022 này, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra, xử lý tổng số 336 vụ việc, trong đó có 306 vụ việc có nội dung kiểm tra hoạt động thương mại điện tử. Đã xử lý 104 vụ việc vi phạm hành chính thông qua hoạt động thương mại điện tử, chiếm tỷ lệ 31%. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách là 1.491.500.000 đồng, chiếm 27,2% trên tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính của Đội năm 2022 là 5.480.240.000 đồng.
Thực tiễn xu thế, mô hình kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong giai đoạn hiện nay cũng như hành vi vi phạm của các đối tượng luôn biến đối theo hướng tinh vi hơn. Sự cần thiết phải có những biện pháp, chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, quyết liệt nhằm tuyên truyền, răn đe và xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để các lực lượng chức năng thực thi. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Đề án “Sáng kiến và giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và mạng Internet trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2026” của Đội Quản lý thị trường số 1 là hội tụ nhiều kinh nghiệm quý báu, có thể nhân rộng.