Phát triển vận tải thủy nội địa không chỉ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng từ lợi thế tự nhiên sẵn có, mà còn là lời giải hữu hiệu cho bài toán chi phí – lợi ích, đồng thời góp phần cụ thể hóa mục tiêu Net Zero.
Tiềm năng phát triển rất lớn
Theo Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mật độ sông, kênh vào loại cao nhất thế giới, gồm 2.360 sông, kênh, tổng chiều dài khoảng 41.900km với trên 120 cửa sông. Mật độ sông, kênh bình quân là 0,27km/km2. Rõ ràng, tiềm năng để phát triển vận tải thủy nội địa rất lớn.
Hiện, tổng chiều dài đường thủy nội địa đang được quản lý khai thác là 17.253km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh cả nước), trong đó, đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa trực tiếp quản lý là 7.180,8 km.
Về cảng, bến, cả nước có 306 cảng (198 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng); 6.456 bến thủy nội địa (4.964 bến có phép hoạt động, còn lại là bền không phép) và 2.526 bến khách ngang sông. Hầu hết các cảng biển khu vực miền Bắc, miền Nam có kết nối tự nhiên với các tuyến đường thủy nội địa, bên cạnh đó đường thủy nội địa còn kết nối đến tuyến vận tải ven biển thông qua 120 cửa sông.
Về đội tàu, tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 237.622 phương tiện thủy nội địa, tổng trọng tải khoảng 22,2 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 619.000 người, tổng công suất gần 16,4 triệu Cv, độ tuổi bình quân 15 năm. Đặc biệt, sau hơn 8 năm hình thành tuyến vận tải ven biển, có 2.844 phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.
Đến nay, cả nước có 236 cơ sở đóng tàu thủy nội địa, trong đó một số cơ sở đóng tàu có năng lực đóng phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải toàn phần đến 16.000 tấn. Số doanh nghiệp vận tải đường thủy đang hoạt động là gần 1.800 doanh nghiệp.
Với những lợi thế đó, thị phần vận tải thủy nội địa hiện chỉ đứng sau vận tải đường bộ, chiếm khoảng 21% về luân chuyển hàng hóa toàn ngành. Riêng năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt hơn 387 triệu tấn, tăng 22,7%; luân chuyển hàng hóa đạt 93 tỷ tấn.km, tăng 37% so với cùng kỳ 2021.
Đáng chú ý, hàng container đường thủy nội địa có bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Tại cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng container đường thủy nội địa chiếm đến 43% tổng lượng hàng container thông qua cảng.
Vận tải hàng hóa bằng phương tiện mang cấp VR-SB trên tuyến vận tải đường thủy ven bờ biển đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực trong việc tăng thị phần vận tải đường thủy, ven biển và góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ. Giai đoạn 2020 - 2021, lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện VR-SB thông qua các cảng thủy nội địa và cảng biển đạt hơn 273 triệu tấn, tăng hơn 200% so với giai đoạn 2017 - 2019; riêng năm 2022 đạt hơn 85 triệu tấn, tăng 15% so với 2021.
Chi phí logistics vẫn ở mức cao
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực Giao thông Vận tải tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: Chi phí logistics dù đã giảm song vẫn ở mức cao so với thế giới.
Cụ thể, giai đoạn từ 2018 trở về trước, chi phí này lên tới 21%. Tuy nhiên, năm 2022 đã giảm còn 16,8%; phấn đấu đến 2025 ở mức từ 16 – 20%. Mức trung bình của thế giới là 11%.
Chia sẻ về giải pháp cụ thể để giảm chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa cảng biển với các tuyến cao tốc, nhất là cảng biển với đường thủy nội địa. “Những kết nối này đem lại hiệu quả rất cao. Ví dụ, khi các hàng container về Cái Mép - Thị Vải thì hơn 70% được vận chuyển bằng đường thủy nội địa; đối với cảng Lạch Huyện và các cảng phía Bắc chỉ được 13,4%”, Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm sử dụng phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển; ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc vận hành, khai thác các chuỗi cung ứng logistics; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm thời gian tiếp nhận tàu, tăng năng suất khai thác cảng.
Tiết kiệm chi phí, giảm phát thải
Thực tế và các nghiên cứu cho thấy, phát triển vận tải thủy nội địa không chỉ giúp Việt Nam phát huy tiềm năng tự nhiên sẵn có, mà còn là lời giải hữu hiệu cho bài toán chi phí – lợi ích, góp phần cụ thể hóa mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, phân tích: Mức đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành đường thủy nội địa rất thấp, trung bình chỉ từ 1,5% - 2,2% so với toàn ngành Giao thông Vận tải nên rất tiết kiệm nguồn lực. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông lĩnh vực đường thủy luôn tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên để phục vụ cho hoạt động vận tải nên chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng rất thấp, chỉ chiểm khoảng 7 - 8% so với đường bộ.
Về chi phí vận tải, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), so với vận tải đường bộ thì vận tải đường thủy nội địa có lợi thế với mức tiết kiệm chi phí trung bình khoảng 0,17 - 0,2 USD cho mỗi tấn/km. Còn theo kết quả khảo sát, tính toán của Cục Đường thủy nội địa và một số doanh nghiệp liên quan trên một tuyến vận tải cụ thể có cự ly tương đồng giữa hai lĩnh vực đường thủy nội địa và đường bộ, chi phí logistics từ việc sử dụng dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có thể giảm bình quân khoảng 10 - 15%.
Không những thế, vận tải thủy nội địa an toàn hơn so với đường bộ. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2021, đường thủy nội địa xảy ra 53 vụ (bằng 0,46% so với đường bộ), làm chết 35 người (bằng 0,6%), bị thương 1 người (bằng 0,01%). Năm 2022, đường thủy nội địa xảy ra 32 vụ (bằng 0,28% so với đường bộ), làm chết 45 người (bằng 0,72%), bị thương 6 người (bằng 0,07%). Thực tế so sánh, nếu lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt tăng trưởng thì đồng nghĩa với việc tai nạn giao thông đường bộ giảm.
Đáng chú ý, phát thải của phương tiện vận tải thủy sẽ thấp hơn nhiều so với đường bộ. Tính toán của Cục Đường thủy nội địa và một số chuyên gia cũng như thực tế hoạt động của Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng thì 01 TEUs vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa (sức chở 96Teus) trên tuyến sẽ cần khoảng 4 lít dầu, trong khi nếu vận chuyển bằng phương tiện đường bộ sẽ cần khoảng 30 lít dầu, tương đương tiết kiệm khoảng 30 USD/Teus. Điều này đồng nghĩa vận tải thủy nội địa giảm phát thải khí thải ra môi trường thấp hơn 3 - 4 lần so với đường bộ.
Rõ ràng, phát triển vận tải thủy nội địa mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường, song trên thực tế, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng tiềm năng.
Minh chứng là, mức đầu tư kết cấu hạ tầng vận tải đường thủy nội địa còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2% tổng mức đầu tư toàn ngành Giao thông Vận tải trong giai đoạn 2001 – 2020. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa…
Như vậy, để có thể tăng thị phần vận tải thủy nội địa theo yêu cầu của Quốc hội là thách thức không nhỏ đang đặt ra không chỉ cho ngành Giao thông Vận tải!