Rõ tỷ lệ tham gia cấp ủy các chức danh chuyên trách HĐND
Từ thực tế triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan cụ thể hóa các quy định của Đảng về tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng (Đảng đoàn) với HĐND. Quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và hoạt động, cũng như mối quan hệ công tác của tổ chức Đảng đoàn đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Quy định rõ tỷ lệ tham gia cấp ủy cùng cấp của các chức danh chuyên trách của HĐND theo hướng ít nhất có 1 Trưởng các Ban HĐND hoạt động chuyên trách tham gia cấp ủy cùng cấp.
Cùng với đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp, trong đó quan tâm đến công tác cán bộ. Thực tế hoạt động của HĐND qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy, công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt của HĐND là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Do đó, cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định, lựa chọn nhân sự tiêu biểu, xứng đáng, đủ điều kiện, bảo đảm tính kế thừa, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, quan tâm tới đội ngũ công chức làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ các hoạt động của HĐND.
Để bảo đảm hoạt động của Ban HĐND tỉnh và HĐND huyện chất lượng, hiệu quả, nhiều địa phương đề nghị nghiên cứu, xem xét tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp tỉnh từ 2 hiện nay lên ít nhất 3 đại biểu; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Ban HĐND huyện từ 1 hiện nay lên 2 đại biểu. Về lãnh đạo Ban HĐND huyện gồm Trưởng ban và 1 Phó Trưởng ban; đồng thời, quy định Trưởng ban có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Khoản 2 Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu HĐND làm nhiệm vụ”. Thực tế tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, quy định này không khả thi vì với cơ cấu đại biểu như hiện nay, đại biểu công tác tại các cơ quan đã quá tải về hoạt động chuyên môn và khó dành 1/3 thời gian cho hoạt động HĐND. Do đó, đề nghị quy định theo hướng giảm cơ cấu đại biểu tại các cơ quan chuyên môn hoặc giảm thời gian hoạt động đại biểu.
Bảođảm phát huy vai tròcác chức danh chuyên trách
Bên cạnh những kết quả tích cực từ triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng, theo các quy định của Luật thì đại biểu HĐND chiếm tỷ lệ đa số kiêm nhiệm, chưa dành được tối đa tâm huyết và thời gian cho các hoạt động của HĐND. Chất lượng, cơ cấu đại biểu HĐND ở nhiều địa phương chưa cao, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động dân cử còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm theo Luật định, nhất là ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cơ cấu chức vụ chuyên trách các cơ quan của HĐND chưa thực sự phát huy hết vai trò và yêu cầu công tác, nhất là cơ cấu tổ chức, điều kiện hoạt động của các Ban HĐND.
Cụ thể, chức vụ chuyên trách của HĐND ở nhiều địa phương chưa cơ cấu cấp ủy viên hoặc có cơ cấu cấp ủy viên nhưng chưa tương xứng vai trò và yêu cầu công tác so với các chức vụ tương đương của UBND, đặc biệt là chức vụ Phó Chủ tịch chuyên trách HĐND cấp huyện, cấp xã; hầu hết các chức vụ chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh, cấp huyện (Trưởng ban, Phó Trưởng ban không cơ cấu cấp ủy viên); các Ban của HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, nhân sự các Ban của HĐND cấp huyện, cấp xã hầu hết tham gia lần đầu nên còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong hoạt động của ban.
Luật hiện hành đã khắc phục những hạn chế của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, quy định mở rộng thành viên của Thường trực HĐND gồm cả Trưởng ban của HĐND, đồng thời quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực (hoạt động thường xuyên) của HĐND, trong khi Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND có thể là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Do đó, theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, khi cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND gồm Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm nhiều hơn số thành viên hoạt động chuyên trách thì tính “thường trực” của Thường trực HĐND bị ảnh hưởng trong một số hoạt động. Hiện nay, ở đơn vị hành chính cấp xã, Thường trực HĐND chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, trong khi đa số thành viên Thường trực HĐND hoạt động kiêm nhiệm, trường hợp khi khuyết Chủ tịch thì việc điều hành hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND cấp xã rất khó khăn.