Bậc thầy của sự thiếu kín đáo

Trong tất cả các thành phố được coi là thủ đô văn học, không nơi đâu nổi tiếng hoặc tai tiếng hơn Paris thời Đế chế II (1852-1870) và không nhà văn nào xứng đáng gắn với huyền thoại của nó hơn anh em nhà Goncourt.

      Mỗi thế hệ đều có một thành phố nổi lên như là thủ đô văn chương. Đó không nhất thiết là địa điểm mà tác phẩm xuất sắc nhất ra đời - các kiệt tác có thể được sinh ra từ nhà linh mục xứ Hampshire (Anh), nơi ở của Jane Austen (tác giả Kiêu hãnh và định kiến), hay từ một tiệm cà phê của thành phố London, nơi Johnson (nhà thơ, nhà phê bình và tiểu luận xuất sắc người Anh) thường ngồi viết. Đó phải là miền đất biểu trưng cho sự tưởng tượng, một thủ phủ thiết lập các điều kiện phán xét phê bình và tranh luận văn chương. Tuy nhiên những thủ đô như vậy chỉ tồn tại nhất thời, qua đi khi lịch sử và cơ hội tập trung vào các thiên tài tại địa điểm khác. Nhưng cho dù đã biến mất từ lâu, những nơi ấy vẫn mang một quyền lực đặc biệt quyến rũ trí tưởng tượng. Biết bao nhiêu người từng ước có thể trò chuyện với  Goethe và Schiller tại Weimar (Đức), hay dự các buổi tiệc tại Greenwich Village (Mỹ) cùng với nhà văn Edmund Wilson và thi sĩ Hart Crane. 
      Trong tất cả các thành phố được coi là thủ đô văn học, không nơi đâu nổi tiếng hoặc tai tiếng hơn Paris thời Đế chế II (1852-1870) và không nhà văn nào xứng đáng gắn với huyền thoại của nó hơn anh em nhà Goncourt. Edmond de Goncourt, sinh năm 1822 và em trai Jules sinh năm 1830, đã tạo ra sự kết hợp được coi là độc nhất trong lịch sử văn học. Không chỉ vì đã cùng nhau viết tất cả các cuốn sách mà họ còn chưa bao giờ xa nhau một ngày, kể từ lúc trưởng thành cho đến khi Jules chết vào năm 1870.
      Anh em nhà Goncourt đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm, thuộc đủ mọi thể loại, nhưng họ chẳng bao giờ thành công như hằng khao khát. Họ không được ngưỡng mộ như Flaubert dù giống nhau ở sự cống hiến và phong cách, cũng chẳng được ưa thích như Zola dẫu đã khai phá các kỹ thuật của chủ nghĩa tự nhiên. Các vở kịch của họ thất bại trong khi Alexandre Dumas giàu lên từ La Dame aux Camélias. Các tác phẩm khác về lịch sử và nghệ thuật lại bị lờ đi trong khi Hippolyte Taine và Ernest Renan trở thành á thánh. Cho đến những năm 60 tuổi, Edmon đã lao vào nhiều lĩnh vực, bất cứ điều gì, để kiếm tìm danh tiếng. “Mối bận tâm thường trực của tôi,” ông viết, “là giữ cái tên Goncourt không bị tương lai quên lãng bằng mọi hình thức tồn tại: tồn tại thông qua các tác phẩm văn học, tồn tại thông qua các quỹ tài trợ, tồn tại thông qua việc đính chữ cái lồng nhau của tên tôi lên tất sản phẩm nghệ thuật thuộc về mình và em trai mình.”
      Tuy nhiên, chẳng điều gì nói trên giúp Goncourt thoát khỏi sự “quên lãng,” mà đúng ra chỉ nhờ tờ báo Journal của họ - các nhật ký chứa đựng những chuyện tai tiếng, vô nghĩa, hằn thù và trung thực một cách tàn nhẫn, trong đó hai anh em và sau này là một mình Edmond viết về lịch sử bí mật thời kỳ ấy. Bắt đầu từ năm 1851, thời điểm cuốn tiểu thuyết đầu tay của họ được xuất bản, và chỉ kết thúc 12 ngày trước khi Edmond qua đời vào năm 1896, Goncourt Journal đã giúp các tác giả và thời kỳ của họ trở nên bất tử. Nếu như đến nay chúng ta vẫn còn bị đời sống văn chương Paris cuối thế kỷ XIX mê hoặc thì đó không chỉ qua các tác phẩm văn học mà còn ở những nhân vật nổi tiếng, sự kình địch, tình bạn và sự kết hợp đầy kích thích của chủ nghĩa lý tưởng và sự bạo tàn.
      Anh em nhà Goncourt thuộc về một thế giới nơi các nhà thơ giao hòa với các bà hoàng, chính khách và gái điếm, và họ tường thuật cặn kẽ những chuyện ngồi lê đôi mách của mọi tầng lớp xã hội, càng khủng khiếp càng tốt. Quả thực, câu điển hình nhất trong các tờ Journal có thể là câu mở đầu vào ngày 25-9-1886: “Sáng nay trong khu vườn, chúng tôi đã chuyện trò với nhau về chuyện ái ân.” Đó là một chủ đề chẳng bao giờ gây buồn chán. Một người bạn của một người bạn có cô nhân tình mới khẳng định rằng đã ngủ với hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II: “Nàng được lệnh khỏa thân đợi ông, trần như nhộng trừ đôi găng tay dài màu đen vượt khuỷu; ông đến bên nàng trên mình cũng không còn một mảnh vải...”
      Swinburne, nhà thơ nữ người Anh, sẽ chiêu đãi các vị khách “một bộ sưu tập ảnh khiêu dâm... kích cỡ như thật về mọi bộ phận cơ thể đàn ông.” Zola có một gia đình thứ hai; Turgenev đánh mất sự trong trắng khi mới 12 tuổi với một trong những nông nô của ông. Robert de Montesquiou, nhà mỹ học là nguyên mẫu nhân vật Charlus của Proust, đã có tình yêu đầu “với một phụ nữ biết nói giọng bụng, trong khi Montesquiou đang căng thẳng để đạt được cực điểm, cô sẽ bắt chước giọng lè nhè say rượu của một tên ma cô đe dọa các khách làng chơi quý phái.”
      Rất nhiều câu chuyện như thế dường như bị liệt vào loại “cần xem xét.” Nhưng chúng mang lại không khí cho những buổi chuyện trò tại nhà hàng Magny nổi tiếng, địa điểm mà anh em nhà Goncourt, nhà phê bình Sainte-Beuve, Flaubert, Gautier, thỉnh thoảng là Turgenev và các nhà văn khác tụ họp. Ở đó có căn phòng lừng danh thế giới, nơi mà sự phóng đãng trở thành cao quý nhờ thứ chủ nghĩa lãng mạn chối bỏ cuộc đời: “Trác táng,” Goncourt viết vào năm 1861 “có lẽ là hành động bề ngoài của nỗi tuyệt vọng vô bờ”.
      Nhưng Paris của Goncourt cũng là một vũ đài của giới trí thức, nơi không ai được phép lãng quên vị trí của mình: cuốn sách của ai được bán chạy nhất, ai nhận được lời phê bình tồi tệ, vở kịch của ai bị la ó vào đêm ra mắt. “Rời khỏi một cuộc tranh luận dữ dội tại Magny,” hai anh em Goncourt viết (sử dụng ngôi thứ nhất số ít như vẫn thường dùng), “tim tôi đập thình thịch trong ngực, lưỡi và cổ họng khô ran, tôi cảm thấy rằng mọi tranh luận chính trị giữa các bên đều dẫn đến “tôi tốt đẹp hơn anh”, mọi tranh luận văn học thì “tôi cảm thụ hơn anh,” mọi tranh luận về nghệ thuật: “tôi có con mắt tinh tường hơn anh,” mọi tranh luận về âm nhạc: “tôi thẩm âm tốt hơn anh.”
      Anh em nhà Goncourt, với những thất vọng vô tận của mình, thường xuyên kết thúc các cuộc tranh luận ở tình trạng yếu thế nhất. Họ chẳng bao giờ có được thành công mà họ cho rằng mình xứng đáng được hưởng, và qua tháng năm, họ ngày càng ít khoan dung hơn với thành công của những người bạn. Mà cũng đúng là sự nghiệp của họ đã bị số phận đen đủi một cách khác thường đeo đuổi. Tờ Journal đầu tiên ra mắt vào ngày 2-12-1851, ngày cuốn tiểu thuyết đầu tay của hai anh em được xuất bản – và cũng thật tình cờ đó là ngày Napoleon III lật đổ nền Cộng hòa để lên ngôi Hoàng đế. Kết quả là chẳng ai để ý đến cuốn tiểu thuyết ấy – “một bản giao hưởng ngôn từ và ý tưởng ở giữa những tranh giành quyền lực,” hai anh em ngậm ngùi nói về tác phẩm của mình.
      Cơ hội lớn tiếp theo đến với Goncourt vào năm 1865 khi vở kịch hiện thực cách tân Henriette Maréchal được trình diễn tại nhà hát Théâtre Franais. Nhưng một lần nữa chính trị lại gây trở ngại khi những người phản đối tràn vào buổi diễn ra mắt, la ó hỗn loạn, giận dữ bởi mối quan hệ bạn bè giữa hai tác giả với anh em của nhà vua. Cho đến khi qua đời, Goncourt Em chưa từng hưởng một thành công lớn nào, và Edmond đã dành phần đời còn lại để tức tối với các nhà văn trẻ trung hơn, tài năng hơn như Zola và Maupassant. Một phần ba số báo Journal về sau luân phiên giữa sự tự thán (“tôi nhận được lời cảnh báo sẽ bị tấn công và từ chối giao tiếp cho đến ngày tôi chết”) và những bới móc ghen tị với bè bạn: “Thành công của Maupassant với những phụ nữ thượng lưu phóng đãng là biểu thị cho thói thô tục của họ,” Edmond viết vào năm 1893, “tôi chưa từng thấy trên thế giới này một người đàn ông nào mang bộ mặt đỏ ửng như vậy, có những đặc điểm tầm thường đến thế hay một vóc dáng tá điền như vậy.” 
      Rất nhiều nhà văn cũng nghĩ những điều tương tự về đối thủ của mình nhưng rất ít người dám ghi chúng lại cho hậu thế. Sự trơ trẽn của Goncourt, sự chối từ hay không thể kiểm soát những suy nghĩ đáng hổ thẹn của mình là điều khiến tập san của họ trở nên rất hấp dẫn - như Edmond đã nhận thức một cách đầy đủ. Vào những năm cuối đời, ông bắt đầu xuất bản những tuyển tập đầu tiên của báo này. Một số người bạn giận dữ khi thấy những việc xấu hổ trước đây bị phơi bày. “Ông Renan (nhà văn, nhà triết học Pháp) gọi tôi là ‘loại người thiếu kín đáo’”, Edmond nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1890. “Tôi chấp nhận lời chỉ trích này và chẳng lấy làm xấu hổ... Suốt từ khi thế giới này sinh ra, chỉ những hồi ức thú vị là được viết bởi “những loại người thiếu kín đáo’”. Tiêu chuẩn đánh giá về sự thiếu thận trọng của anh em nhà Goncourt là hơn một trăm năm sau, những bài báo của họ vẫn còn hết sức hấp dẫn.

Đăng Ngọc
Theo The New York Sun

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.