Vì vậy, tỉnh đã và đang xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 với kịch bản ứng phó theo từng cấp độ. Trong đó, xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó 11 loại thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn.
Dễ bị tác động trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới
Bạc Liêu có đường bờ biển tự nhiên dài 56 km nên rất dễ bị tác động trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới đến từ biển Đông. Trên đất liền cũng hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như lốc xoáy, sạt lở bờ sông, dông, sét, triều cường, xâm nhập mặn... Ngoài ra, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây, trong đó hiện tượng triều cường bất thường đã gây thiệt hại rất lớn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân tỉnh Bạc Liêu. Điển hình như 2 đợt mưa trái mùa trong những tháng đầu năm 2022 đã làm thiệt hại hơn 1.260 ha muối và 72 ha Artemia (Artemia là một loại ấu trùng mới nở, được dùng làm thức ăn tươi sống nuôi ấu trùng tôm cá). Lốc xoáy và sét đánh làm 3 người chết, 1 người bị thương nặng; sập và tốc mái 68 căn nhà.
Do đặc điểm của tự nhiên và vị trí địa lý, người dân Bạc Liêu ở vùng ven biển, vùng nông thôn phần lớn nhà cửa có kết cấu yếu, do đó khi có bão hoặc xuất hiện lốc xoáy trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, các công trình phòng, chống thiên tai của tỉnh còn thiếu; các phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển không hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu (gió cấp 5 - 6 trở lên).
Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, do Bạc Liêu có 1.148 phương tiện, với gần 7.000 người hoạt động trên biển (trong đó có 485 phương tiện, 4.566 người hoạt động đánh bắt thủy, hải sản xa bờ). Trong số đó không ít phương tiện đánh bắt xa bờ hoạt động không đúng khu vực đã đăng ký, không khai báo tần số thông tin liên lạc hoặc cung cấp tần số thông tin liên lạc không đúng gây khó khăn cho đơn vị chức năng trong công tác nắm tình hình, thông báo, kêu gọi và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Xử lý kịp thời ngay tại chỗ các tình huống thiên tai có thể xảy ra
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Bạc Liêu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 với kịch bản ứng phó theo từng cấp độ. Trong đó, xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó 11 loại thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, triều cường, mưa trái mùa, gió mạnh trên biển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là tỉnh chưa có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác này, hầu hết đều kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bố trí kinh phí giúp tỉnh Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kè phòng, chống xói lở tại 2 khu vực thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) và phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu); xây dựng tuyến đê biển Đông (thuộc chương trình 667). Hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu các máy phát trực canh, máy định vị qua vệ tinh VINASAT cho tàu thuyền hoạt động trên biển của tỉnh. Bên cạnh đó, trang bị cho tỉnh tàu cứu nạn có công suất lớn và các thiết bị để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như có chương trình hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà chống bão.
Cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Theo đó, Đại tá Trần Ngọc Hữu đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục cập nhật, quán triệt các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; hoàn chỉnh báo cáo gửi đến đoàn công tác để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Bạc Liêu cần tập trung các giải pháp thu Quỹ phòng, chống thiên tai và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ này. Để nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, tỉnh cần thành lập và huấn luyện tốt cho lực lượng phòng chống thiên tai, nhất là ở cơ sở để có ứng phó, xử lý kịp thời ngay tại chỗ các tình huống thiên tai có thể xảy ra.