Dọc đường lên huyện nghèo vùng cao Pác Nặm, Ba Bể, chúng tôi gặp khá nhiều bà mẹ nhí bế con ngồi bên bậc cửa. Các bà mẹ nhí rất hồn nhiên bên đứa con bé bỏng. Nhìn họ, nhiều người đoán là hai chị em chứ ít ai nghĩ mới 14-15 tuổi mà họ đã làm mẹ. Chị Phùng Thị Sam, thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng, Pác Nặm sinh năm 1996 nhưng đã có 2 đứa con, chồng chị hơn chị 3 tuổi. Chị Sam kết hôn từ năm 16 tuổi. Hai vợ chồng về ở với nhau chứ chưa đăng ký kết hôn. Hai đứa con của chị cũng chưa có giấy khai sinh.
Chủ tịch UBND xã Công Bằng Ngô Thị Thanh cho biết, năm 2013, trên địa bàn xã có 6 cặp tảo hôn. Một số trường hợp về ở với nhau mà không báo cáo chính quyền địa phương nên xã không nắm được. Có nhiều đôi, về ở với nhau một thời gian đã xảy ra cãi vã, lục đục.
Địu con trên lưng, tay cầm chiếc cuốc xới cỏ cho đám ngô ở vườn, chị Dương Thị Mái, sinh năm 1995, thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố, cho biết: mình lấy chồng từ năm 15 tuổi, lúc ấy mình và chồng cùng học hết lớp 5. Con mình giờ đã được 18 tháng tuổi. Chúng mình cũng chưa đăng ký kết hôn. Nhiều lúc cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng cũng cãi nhau nhưng mấy hôm lại làm lành. Chị Đào Thị Nhung - cộng tác viên dân số thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố, Pác Nặm cho biết: kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn và một số ông chồng uống rượu say thường đánh chửi vợ là tình trạng thường xảy ra với nhiều cặp vợ chồng trẻ.
Năm 2013, toàn tỉnh Bắc Kạn có 26 cặp tảo hôn (năm 2012 là 35 cặp) và riêng trên địa bàn huyện Pác Nặm có tới 23 cặp tảo hôn và 2 cặp kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê trên hai địa bàn được thực hiện mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là huyện Ba Bể và Pác Nặm.
Đến những thôn bản người Mông, Dao, không khó để gặp những cặp vợ chồng nhí, đa số họ đều lấy nhau khi chưa đủ tuổi cho phép và cũng không đăng ký kết hôn. Những đứa trẻ sinh ra không mang họ bố mà mang họ mẹ. Các cặp vợ chồng nhí này chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ hay lên chức bố. Họ còn quá trẻ để sinh con hay chăm sóc con cái, thiếu những kỹ năng cần thiết để chăm sóc con cái, gia đình. Cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, nên những đứa trẻ sinh ra sẽ chậm lớn và thể trạng yếu. Cuộc sống khó khăn và phải lo toan chuyện gia đình nên những thiếu nữ vùng cao này như già trước tuổi.
Tình trạng tảo hôn gia tăng ở Bắc Kạn chủ yếu là do phong tục, tập quán lạc hậu của người dân. Được biết, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn hai huyện Ba Bể và Pác Nặm. Thực hiện mô hình này, nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh niên, phụ nữ; phối hợp với các nhà trường để chống bỏ học, thất học. Các hoạt động tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; vận động người có uy tín đưa nội dung cấm tảo tôn, kết hôn cận huyết vào hương ước, quy ước của thôn, bản; hỗ trợ tư pháp cho các chính quyền xã; tăng cường năng lực và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản… cũng được thực hiện.
Tuy nhiên, để công tác dân số ở vùng cao Bắc Kạn đạt hiệu quả cao hơn, để bớt đi những lời ru buồn, xóa bỏ dần những hủ tục đã hằn sâu vào tâm thức đồng bào dân tộc thiểu số, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở.