Ba sẵn sàng cao trào cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam

Có thể nói, phong trào Ba sẵn sàng là một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô trong thế kỷ XX, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối. Từ đất thiêng Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, Ba sẵn sàng lan nhanh ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam.

Ngày 5.8.1964, sau khi gây ra sự kiện vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ cho không quân tiến hành đánh phá một số điểm trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam (Vinh, Thanh Hóa, Quảng Ninh…). Cả nước căm phẫn trước tội ác leo thang chiến tranh của Mỹ. Từ trong các xí nghiệp, công trường, nhà máy, trên các đường phố, cơ quan, các thôn xóm… ở đâu thanh niên cũng sục sôi khí thế sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lịch sử. Bối cảnh lịch sử lúc đó đòi hỏi phải có một phong trào mới để thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong thanh niên, lôi cuốn được đại đa số thanh niên tham gia. Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã dấy lên phong trào Tam bất kỳ với nội dung: Đi bất kỳ nơi đâu mà Tổ quốc cần đến; Làm bất kỳ việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kỳ chế độ đãi ngộ nào cũng chấp nhận. Đồng chí Vũ Hữu Loan - Bí thư Thành đoàn lúc bấy giờ đã trao đổi với Đoàn trường Đại học Sư phạm nên chuyển nội dung của phong trào sang một tên gọi khác. Vào thời điểm đó, có rất đông sinh viên của các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Y khoa và công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Ô tô Hòa Bình đã tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tối ngày 7.8.1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp và thống nhất phát động phong trào Ba sẵn sàng với nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. 2 ngày sau, đêm 9.8.1964, 26.000 thanh niên Thủ đô Hà Nội đã xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của Mỹ. Từ Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám), lớp lớp thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… ba lô trên vai, lá ngụy trang đầy người rầm rộ diễu hành qua các đường phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ… biểu thị quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao cho. Tại hội trường Bộ Công nghiệp Nặng (nay là Bộ Công thương), ngọn lửa truyền thống được tuổi trẻ đốt lên khi Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội kêu gọi đoàn viên và thanh niên xung kích đi đầu trong chiến đấu, lao động và học tập… kiên quyết thực hiện Ba sẵn sàng.

Bất cứ thanh niên nào ngày ấy cũng chỉ khao khát được tham gia Ba sẵn sàng. Lực lượng sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y khoa… hừng hực khí thế sôi sục Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chỉ sau một tuần đã có 240.000 người ghi tên tham gia, trong đó 80.000 người xin được vào miền Nam chiến đấu. Lực lượng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập các tiểu đoàn và phát động phong trào hành quân vượt Trường Sơn đánh Mỹ cứu nước. Tối thứ tư, thứ bảy, chủ nhật, tất cả nam nữ sinh viên và nhiều cán bộ giảng dạy trẻ nườm nượp tham gia phong trào hành quân từ Hà Nội lên Sơn Tây, Đa Phúc… Hàng nghìn sinh viên, học sinh đã viết thư bằng máu xin được ra trận. Nhiều người đang du học ở Liên Xô tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận cầm súng…

Học sinh, sinh viên miền Bắc xuống đường biểu tình
Học sinh, sinh viên miền Bắc xuống đường biểu tình
Là cái nôi của phong trào Ba sẵn sàng, đông đảo cán bộ, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên cả hai miền Nam Bắc. Mùa hè năm 1965, đông đảo đoàn viên, sinh viên tốt nghiệp khóa học mang tên anh hùng - liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã viết đơn xin tình nguyện đi công tác và chiến đấu ở miền Nam. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều người bị địch bắt, dù bị tra tấn dã man, bị giam cầm nhiều năm ở “chuồng cọp” Côn Đảo nhưng vẫn giữ vững khí tiết của đoàn viên cộng sản, người cán bộ cách mạng, trở thành tấm gương cho cán bộ, đoàn viên trong trường học tập.

Thủ đô Hà Nội có vinh dự là nơi khởi nguồn cho phong trào thanh niên Ba sẵn sàng, một phong trào hành động cách mạng, một trường học rèn luyện của thanh niên miền Bắc thời kỳ chống Mỹ. Ba sẵn sàng đã sớm trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút hàng chục vạn thanh niên Thủ đô và 22 tỉnh, thành miền Bắc đã hướng tất cả tình cảm, suy nghĩ và hành động của mình vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tháng 3.1965, Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung vào nội dung của phong trào: Sẵn sàng chiến đấu, gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập, lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu.

Tháng 5.1965, Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương đã tổ chức Đại hội sơ kết phong trào Ba sẵn sàng, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự và động viên. Đánh giá cao phong trào Ba sẵn sàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: Các cháu là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng. Bác khẳng định: Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy Bác rất tự hào, sung sướng như thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang.

Phong trào Ba sẵn sàng đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc náo nức Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, gợi mở phong trào phụ nữ Ba đảm đang và phong trào Năm xung phong của tuổi trẻ miền Nam. Từ đất thiêng Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, Ba sẵn sàng lan nhanh ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam. Ba sẵn sàng ở miền Bắc cùng với Năm xung phong ở miền Nam hòa thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ đánh Mỹ, cổ vũ mọi tầng lớp thanh niên đoàn kết và chiến đấu dưới khẩu hiệu: Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

20h ngày 7.8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội sẽ diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm phong trào Ba sẵn sàng, với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP Hà Nội... cùng gần 4.000 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của Thủ đô. Tại buổi lễ, Đoàn TNCSHCM TP Hà Nội sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Văn hóa

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.