Theo đó, cơ cấu sở hữu thời điểm hiện tại của Ngân Lượng thể hiện, ông Nguyễn Hoà Bình và Peacesoft sở hữu tới 99,65%, phần nhỏ còn lại do bà Đào Lan Hương và ông Nguyễn Hữu Tuất nắm giữ. Vốn điều lệ của Ngân Lượng hiện tại ở mức hơn 369 tỷ đồng.
Thành lập từ năm 2012, Công ty Cổ phần trung gian thanh toán Ngân Lượng (Cổng thanh toán Ngân Lượng) đã cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam từ khá sớm, trở thành ví điện tử và cổng thanh toán trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Đây là một trong những sản phẩm thành công đầu tiên trong hệ sinh thái của Shark Bình (doanh nhân Nguyễn Hòa Bình). Ngân Lượng được coi là "con gà đẻ trứng vàng" cho vị doanh nhân này.
Chỉ sau 4 năm hoạt động, Cổng Ngân Lượng đã đạt mức doanh thu thuần gần 700 tỷ đồng vào năm 2016. Sau đó, đơn vị trung gian thanh toán này liên tục đem về nguồn thu “siêu khủng” cho Shark Bình khi năm 2017 doanh thu vọt lên hơn 1.500 tỷ đồng và tiếp tục bứt phá gần chạm mốc 1.900 tỷ đồng vào năm 2018.
Mặc dù đây là chuỗi 3 năm “hoàng kim” về doanh thu của Công Ngân Lượng nhưng lợi nhuận trong 3 năm này cực kỳ “bèo bọt” khi năm 2016 chỉ lãi 10 tỷ đồng, năm 2017 lãi 14,7 tỷ đồng và năm 2018 dù đỉnh điểm doanh thu cũng chỉ lãi 31,8 tỷ đồng. Mức lợi nhuận cách xa “một trời một vực” với nguồn thu khổng lồ khiến tỷ suất lợi nhuận thuần/doanh thu thuần của Cổng Ngân Lượng thấp đến khó tin khi chỉ giao động từ 0,9 đến 1,6%.
Năm 2018 là năm đỉnh điểm doanh thu của Cổng Ngân Lượng khi đã gần chạm đến mốc doanh thu thuần năm đạt 2.000 tỷ đồng. Một con số mơ ước của những doanh nghiệp trung gian thanh toán thời kỳ đó.
Tuy nhiên, cũng vào năm 2018, một sự kiện chấn động xảy ra có liên quan trực tiếp tới Cổng Ngân Lượng của Shark Bình đó là Cơ quan điều tra Bộ Công an đã Triệt phá đại án đánh bạc trực tuyến Rikvip với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu.
Sau sự kiện năm 2018, Cổng Ngân Lượng của Shark Bình đang từ đỉnh doanh thu nghìn tỷ bất ngờ sụt giảm nghiêm trọng, “bốc hơi” đến gần 80% xuống mức doanh thu chỉ hơn 400 tỷ đồng vào năm 2019.
Sau năm 2019, giai đoạn 2020-2023 doanh thu của Cổng Ngân Lượng thậm chí còn tiếp tục tụt xuống mức hơn 300 tỷ đồng vào năm 2020, sau đó tiếp tục hồi phục hồi lên mức hơn 500 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, mức doanh thu này vẫn kém xa so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện triệt phá Đại án đánh bạc Rikvip.
Điều bất ngờ là vào năm 2019, năm đầu tiên ghi nhận doanh thu sụt giảm nhưng Cổng Ngân Lượng của Shark Bình lại báo lãi tăng vọt 239% lên mức 109 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong hàng chục năm hoạt động của đơn vị trung gian thanh toán này.
Những năm sau đó, dù doanh thu năm vẫn đi ngang hoặc nhích nhẹ so với năm 2019 nhưng lợi nhuận của Cổng Ngân Lượng vẫn cao hơn hẳn so với trước khi xảy ra sự kiện Đại án đánh bạc Rikvip khi duy trì ở mức hơn 60 tỷ đến gần 100 tỷ đồng.