Lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm 2021
Là đại biểu đầu tiên chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh lãi suất vẫn còn cao và tiếp cận vốn còn khó khăn. Trong bối cảnh đó, đại biểu đặt câu hỏi: gói 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đã được triển khai đến đâu? Các ngành nghề được tiếp cận chính sách hỗ trợ này như thế nào để Nghị quyết của Quốc hội được triển khai nhanh và khẩn trương, kịp thời?
Cũng chất vấn về vấn đề lãi suất, ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nêu rõ, Nghị quyết 43 có yêu cầu chính sách tiền tệ phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 - 2023. Đến nay đã quá nửa đầu năm 2022, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết việc thực hiện nhiệm vụ này đến nay ra sao? Giải pháp để ngành ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu của Quốc hội đề ra thế nào?
Trả lời các nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, trong những năm qua, bằng rất nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng có các giải pháp làm cho mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Những năm trước lãi suất rất cao nhưng đến thời điểm năm 2020 – 2021 lãi suất đã được giảm. Tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2022, Thống đốc cho biết, điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu những áp lực khá lớn từ bên ngoài. Cụ thể, lạm phát đang là xu hướng trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất. Trong năm 2021, ngân hàng Trung ương nhiều nước đã tăng lãi suất, trong 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương các nước cũng đã có khoảng 135 lượt tăng lãi suất. Như vậy, lãi suất của các nước vẫn tăng lên rất nhiều.
Ở trong nước, Thống đốc nêu rõ, “đối với lãi suất thì còn phụ thuộc vào cung cầu vốn”. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, khi hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại thì đã tăng tín dụng lên 8%, đây là mức khá cao so với mục tiêu, định hướng của cả năm 2022 là 14%. Điều này cũng cho thấy áp lực về lãi suất rất lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết, cơ bản ổn định được mặt bằng lãi suất và lãi suất này chỉ tăng 0,09% so với đầu năm 2021.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Đây cũng là khối doanh nghiệp có nhiều điều kiện bị hạn chế hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, ví dụ như tình hình tài chính hạn chế, khả năng quản trị hay là thương hiệu hàng hóa ở trên thị trường chưa được nhiều. Do vậy, khi vay vốn, thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ phải đánh giá và đưa ra từng mức lãi suất cao hơn so với những doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhất là khoảng thời gian dịch bệnh 2020 – 2021, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong 2 năm, tổng lãi suất giảm khoảng 47 – 48 nghìn tỷ đồng. "Đây cũng là những cố gắng, chia sẻ của hệ thống ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong Nghị quyết 43 của Quốc hội, quan điểm và mục tiêu là thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. "Cho nên, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phải trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ, giải pháp khác để vẫn kiên định được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Và nếu có điều kiện thì Ngân hàng Nhà nước cũng luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm các chi phí trong hoạt động để cố gắng giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vay vốn
Về tiếp cận tín dụng, theo Thống đốc, như đã nêu ở trên là doanh nghiệp nhỏ và vừa có những điểm hạn chế cho nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Bởi, phải thực hiện theo nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải bảo đảm có khả năng trả nợ và khả năng thu hồi nợ. Trong thời gian qua cũng đã có những giải pháp, chính sách từ Nhà nước, chúng ta cũng có Luật để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng có một số Nghị định tháo gỡ khó khăn và có giải pháp hỗ trợ.
Đối với lĩnh vực tín dụng cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay ở các địa phương cũng có khoảng 29 quỹ bảo lãnh tín dụng. Trong thời gian tới, chúng ta thực hiện đánh giá tổng kết hoạt động của quỹ bảo lãnh này thì sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, về phía ngành ngân hàng cũng sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để có những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Liên quan đến triển khai gói hỗ trợ 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp mà đại biểu Nguyễn Văn Thân đã nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nớc cho biết, trên thực tế sau khi có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Trong đó, ngân hàng Nhà nước có 3 nhóm nội dung thực hiện triển khai. Thứ nhất là, điều hành chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là, Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 Nghị định, 1 về tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì đã hoàn thành và ban hành, bây giờ đang chờ Thông tư hướng dẫn. Về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành vào ngày 30.5.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dự thảo Thông tư và ngay trong ngày 30.5.2022 đã ban hành ngay Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP và tổ chức triển khai Hội nghị trực tuyến đối với toàn hệ thống trên toàn quốc và các ngân hàng thương mại để chỉ đạo các ngân hàng tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn hạch toán đối với những khoản hỗ trợ này để bảo đảm rõ ràng, minh bạch, công khai. Trong Nghị định 31 cũng quy định rất rõ là đối với những khoản đã ký thỏa thuận vay với khách hàng và giải ngân từ 1.1.2022 nếu thuộc các đối tượng của Nghị định 31 thì vẫn được hỗ trợ lãi suất và có hạn đến 31.12.2023. “Như vậy Nghị định ban hành từ tháng 5 nhưng việc cho các doanh nghiệp vay để phục hồi kinh tế thì đã được thực hiện từ 1.1.2022”, Thống đốc cho biết.