Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn và đặc biệt ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô rộng khắp trên cả nước.
Hệ thống bán lẻ hiện đại ở nước ta hiện chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Đa số hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; đồng thời hệ thống phân phối, logistics cũng chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống, giúp bảo đảm chất lượng hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17.7, Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam Park Chang Lyul cho biết, trong gần 16 năm kinh doanh tại thị trường Việt Nam, đơn vị này đã hợp tác với rất nhiều nhà cung cấp trong nước để đưa hàng hóa, thực phẩm, nông sản Việt Nam vào phân phối tại hệ thống siêu thị.
"Chúng tôi nhận thấy có một số điểm các nhà cung ứng trong nước nên chú ý cải thiện để sản phẩm dễ dàng xuất hiện ở các hệ thống siêu thị quy mô lớn", ông Park Chang Lyul nói .
Thứ nhất, các mặt hàng tươi sống đều phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Thứ hai, các nhà cung cấp cần đầu tư vào mẫu mã bao bì sản phẩm để bắt kịp sự thay đổi của thị trường và tạo hiệu ứng cho người tiêu dùng. Chú trọng vấn đề nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, sử dụng tem truy xuất hàng hóa dưới dạng QR code sẽ giúp bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp.
Thứ ba, cần đồng đều chất lượng hàng hóa, bảo đảm đủ sản lượng cung cấp và giữ được sản phẩm tươi ngon khi vận chuyển đến siêu thị.
"Nếu các nhà cung cấp trong nước cải thiện được các vấn đề trên, con đường đưa sản phẩm của các doanh nghiệp vào hệ thống siêu thị hiện đại sẽ rất rộng mở", ông Park Chang Lyul nhấn mạnh.
Đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm để xây dựng môi trường sản xuất thực phẩm an toàn của Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thực phẩm Việt Nam.
Để quản lý an toàn thực phẩm trong thương mại điện tử, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử, Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số Lê Thị Hà đề xuất, Bộ Y tế sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia; cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về thương mại tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...