Bãi phế liệu không phép trong khu dân cư
Để phát triển bền vững, Bình Dương đã gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường đã được các cơ quan ban ngành, đoàn thể đa dạng hóa hình thức cổ động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều hoạt động, chương trình có ý nghĩa gắn kết với bảo vệ môi trường đã được đưa vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những những nỗ lực, thành quả đạt được, nhiều bãi phế liệu có quy mô lớn như một quả “bom nổ chậm” nằm xen lẫn giữa các khu dân cư khiến cuộc sống của người dân luôn bị đe doạ bởi nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh về tình trạng xe quá tải ngang nhiên đi các tuyến đường cấm để ra vào các bãi phế liệu trên địa bàn phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) khiến mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, cử tri và người dân bức xúc vì các bãi phế liệu này đã hoạt động nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy, nổ và mất mỹ quan đô thị nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo phản ánh, bãi phế liệu của Cơ sở Thuận Phát (bãi phế liệu Thuận Phát, địa chỉ 118B/1 đường Bùi Thị Xuân và bãi phế liệu của ông Lê Văn Bính trên đường Trần Quang Diệu (đều thuộc khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An) hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị trong nhiều năm qua.
Ghi nhận thực tế, bên trong các cơ sở phế liệu này rất nhếch nhác, đa số phế liệu được thu gom về và tập kết chất đống cao hơn cả nhà dân mà không hề có bất kỳ một biện pháp bảo vệ môi trường nào. Từ sáng sớm đã nhiều xe có trọng tải lớn như xe đầu kéo container, xe tải cho đến xe ba gác chở hàng tấn phế liệu đến tập kết tại các cơ sở này.
Các bãi phế liệu này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Người dân sống gần các bãi phế liệu luôn nơm nớp lo sợ bởi các phế liệu được tập kết về đây là những vật liệu "mồi ngon" của lửa, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, tình trạng các xe có trọng tải hàng chục tấn như xe tải, xe đầu kéo container liên tục ra vào các bãi phế liệu này khiến giao thông qua khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt đường liên tục bị cày xới gây hư hỏng nặng, xuống cấp nhanh chóng.
Cam kết di dời, sau đó lại ngang nhiên hoạt động
Liên quan đến hoạt động của các cơ sở phế liệu nêu trên, UBND phường An Phú nhiều lần lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở phế liệu Thuận Phát và cơ sở thu gom phế liệu của ông Lê Văn Bính.
Cụ thể, UBND phường An Phú đã xử phạt các cơ sở phế liệu này với các hành vi vi phạm như không có có giấy phép kinh doanh, không có giấy xác nhận phê duyệt công tác bảo vệ môi trường và đặc biệt không có giấy phép hoạt động có điều kiện,…
Ngoài ra, UBND phường An Phú cũng đã yêu cầu các chủ cơ sở này di dời ra khỏi khu vực khu dân cư và chấm dứt hoạt động của 2 bãi phế liệu này.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 24.8.2019, ông Lê Văn Bính, chủ cơ sở kinh doanh phế liệu trên đường Trần Quang Diệu đã có đơn xin cam kết di dời bãi phế liệu của mình ra khỏi khu dân cư với thời hạn là 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay bãi phế liệu này vẫn hoạt động với quy mô lớn hơn, rầm rộ hơn.
Đối với cơ sở phế liệu Thuận Phát, ngày 12.5.2021, chủ cơ sở này cũng có đơn xin cam kết di dời bãi của mình ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay công tác di dời như cam kết vẫn chưa được thực hiện.
Người dân và cử tri lo lắng, việc các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện bảo vệ môi trường, cũng như công tác an toàn cháy nổ không được quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Ngoài ra, việc các xe quá tải thường xuyên đi trên các tuyến đường có đặt bảng cấm 10 tấn để ra vào các bãi phế liệu đã khiến mặt đường bị hư hỏng nặng. Lực lượng Cảnh sát giao thông - Trật tự và Thanh tra giao thông cần thường xuyên tuần tra, xử lý dứt điểm.
Cử tri bức xúc, dư luận bất bình về việc vì sao những cơ sở kinh doanh phế liệu này đã tạo ra những “bãi rác tập trung” làm xấu bộ mặt đô thị, gây tác hại môi trường sống. Nhiều tuyến đường đẹp, khu dân cư đã bị các cơ sở thu mua phế liệu làm nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ..., có hay không sự tiếp tay, buông lỏng quản lý của các đơn vị liên quan tại địa phương này?
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật, xử lý vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.