Thời gian qua, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của Agribank. Tuy nhiên, để ứng phó với thực trạng đó, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp chính sách, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số… nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh, thuận lợi hơn, bảo đảm xu hướng phục hồi và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế.
Bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng thành viên (HĐTV) giao, Tổng Giám đốc Agribank đã phân công Ban Điều hành chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức nhiều hội nghị, làm việc trực tiếp với các chi nhánh và ban hành nhiều văn bản, cơ chế khuyến khích, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra ở mức cao nhất.
Theo đó, Agribank đã hiện thực hóa các chỉ đạo bằng việc linh hoạt triển khai công tác huy động vốn, điều hành lãi suất, phí điều vốn phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, từng bước tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, khuyến khích tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Giao cơ cấu kế hoạch nguồn vốn ổn định từ đầu năm để khuyến khích chi nhánh tăng trưởng nguồn vốn thực chất, phù hợp với quy mô, thực tế địa bàn; Agribank cũng thực hiện 28 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, phấn đấu giảm dần lãi suất đầu vào để có điều kiện thực hiện 8 lần giảm lãi suất cho vay…
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cho phép chi nhánh vượt kế hoạch dư nợ được chuyển sang kế hoạch nguồn vốn phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo cân đối vốn, khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn thanh khoản và tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động. Phát hành thành công 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu ra công chúng và các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi...
Đáng chú ý, trong điều kiện khó khăn, tín dụng của Agribank tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn thời kỳ hậu Covid - 19, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, cạn kiệt nguồn thu dẫn đến khó khăn trong trả nợ ngân hàng, cộng hưởng với khó khăn về thanh khoản, dòng tiền của lĩnh vực bất động sản; nợ xấu của Agribank có xu hướng tăng, việc kiểm soát, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Agribank đã tổ chức các hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm với sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo các đơn vị tại trụ sở chính và các chi nhánh trong toàn hệ thống. Qua đó, nhất quán, chỉ đạo toàn hệ thống tích cực trong công tác tín dụng, triển khai phù hợp các giải pháp tăng trưởng tín dụng đã ban hành, qua đó làm tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chủ động triển khai các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, đồng thời hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid - 19 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, năm 2023, Agribank cơ bản bảo đảm được các chỉ tiêu kinh doanh đề ra, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng tài sản Agribank năm 2022 là 1,87 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2023 tổng tài sản Agribank tổng tài sản Agribank vượt 2 triệu tỷ đồng, đạt 113% so với kế hoạch năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên 7%, vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế (TT1) tăng 8,9% so với năm 2022…
Để khách hàng có trải nghiệm tốt, yên tâm sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, Agribank tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo hệ sinh thái số dịch vụ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng; tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Năm 2023, Agribank tập trung phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt là các sản phẩm hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm dành cho khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu, lấy khách hàng làm trung tâm.
Agribank đã chủ động, tăng cường hợp tác với các công ty Fintech, trung gian thanh toán, đối tác để phát triển hệ sinh thái công nghệ số cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ đa dạng với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt, an toàn, tiện lợi với chi phí thấp; tích cực triển khai các chương trình khuyến mại. Mở rộng các tiện ích trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking; phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích trên kênh số, tạo hệ sinh thái dịch vụ…
Nhờ đó, kết quả kinh doanh dịch vụ của Agribank tính đến 22.12.2023, thu dịch vụ (không gồm thu ròng kinh doanh ngoại tệ của Trung tâm Kinh doanh vốn và Thị trường) đạt 8.086 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng (tăng 1,5%) so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh vốn, tính đến 30.11.2023, tổng thu từ giao dịch trên Sổ ngân hàng và Sổ kinh doanh đạt 12.027 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu từ các giao dịch trên sổ ngân hàng đạt 11.261 tỷ đồng, thu từ giao dịch trên sổ kinh doanh là 766 tỷ đồng…
Theo thông tin từ Agribank, đến 22.12.2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 87.444 tỷ đồng (tăng 6,1%) so với đầu năm, hoàn thành 81,3% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao (tăng tối đa 7,5%).
Năm 2023, Agribank tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai có hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao đời sống người dân và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 964 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,0% tổng dư nợ.
Theo đánh giá của Agribank, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, Agribank luôn kiên định các mục tiêu chủ động, tiên phong, gương mẫu, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Năm nay, Agribank có các mục tiêu hoạt động kinh doanh cụ thể. Đó là, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và điều hành của Ngân hàng Nhà nước, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vị thế tại khu vực thành thị.
Agribank cũng đặt mục tiêu, kiểm soát nợ tiềm ẩn, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao với năng lực tài chính ổn định. Phát triển các sản phẩm trọn gói, bán hàng linh hoạt gắn với thị trường và định hướng, xu thế tại cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trên nền tảng số, cung cấp bổ sung dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng, phục vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; Ưu tiên chính sách tối đa khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ trọn gói, thực hiện chính sách chăm sóc khách hàng đồng bộ toàn hệ thống, nâng tỷ lệ huy động không kỳ hạn/tổng nguồn vốn huy động (tỷ lệ CASA), mục tiêu tối thiểu 12%.
Triển khai các biện pháp nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động. Kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện hoạt động của các đơn vị nhằm phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, ngăn ngừa và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; hoàn thiện chuyển đổi mô hình tổ chức, mạng lưới của Agribank, triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng và quản trị điều hành.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng quản lý, quản trị rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Để tăng sự đồng hành, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở…, ngay trong đầu năm 2024, Agribank đã chủ động dùng nguồn lực tài chính để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cho khách hàng.
Theo đó, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nhằm góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, cùng ngành Ngân hàng tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro
“Các chi nhánh trong toàn hệ thống làm việc trực tiếp với khách hàng, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực phù hợp lợi thế địa phương, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng.”, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng.