Nguồn lực cho phát triển văn hóa, giáo dục

- Thứ Ba, 09/04/2019, 20:09 - Bản đầy đủ
Để chuẩn bị xây dựng Báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng, ngày 9.4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức tọa đàm chuyên gia về nguồn lực cho phát triển văn hóa - thể thao và giáo dục - đào tạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì tọa đàm.

Về nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa - thể thao, các đại biểu đồng ý rằng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, ngân sách chi cho lĩnh vực này hạn chế, thì cần có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội. Ở điểm này, lĩnh vực thể thao, đặc biệt là các môn hấp dẫn như bóng đá và bóng rổ, đã làm rất tốt. Nhiều câu lạc bộ của Việt Nam được tư nhân đầu tư đào tạo và vận hành theo chuẩn quốc tế, nhờ đó thời gian qua bóng đá Việt Nam đã đạt thành tích cao trên đấu trường khu vực và châu lục. Tuy nhiên, với văn hóa, nhận thức về vai trò của “sức mạnh mềm” chưa đúng và đầu tư chưa tương xứng. Các chuyên gia lo ngại, nếu thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ mà không quản lý tốt, sẽ làm tầm thường hóa văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, trong khi nếu đầu tư đúng mức, khai thác, phát huy hợp lý sẽ trở thành động lực phát triển bền vững đất nước. Vì thế, cần coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững; gắn kết giữa nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ phát triển văn hóa.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại tọa đàm

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, con người chính là nhân tố quyết định sự phát triển văn hóa - thể thao, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa - thể thao phù hợp. Các nguồn lực khác khi khai thác có thể cạn kiệt, chỉ riêng trí tuệ con người là vô tận. Và cũng chỉ con người mới có thể gắn kết các nguồn lực khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng tác động vào quá trình phát triển xã hội, trong đó có văn hóa.

Với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các đại biểu đề nghị bảo đảm tỷ lệ 20% ngân sách chi cho lĩnh vực này, đồng thời phải sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Như một số ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước không đầu tư thì không thể có trường đại học đẳng cấp quốc tế, và cũng không bao giờ đạt được nguồn nhân lực chất lượng cao, mang lại giá trị cho xã hội cũng như sự phát triển của khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, như ở lĩnh vực văn hóa - thể thao, cũng các đại biểu thống nhất, xã hội hóa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, và phải có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ở địa bàn thuận lợi huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục để nâng cao hiệu quả của từng trường cũng như cả hệ thống giáo dục.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của từng lĩnh vực để có sự đầu tư tương xứng, trong đó quan trọng là phải minh bạch, công bằng và hiệu quả. Nhà nước chỉ như bà đỡ, không thể ôm hết mọi thứ, nhưng phải lo cho cái lõi, phần cơ bản của mỗi lĩnh vực. Còn lại, đẩy mạnh xã hội hóa. “Người dân có thể làm được văn hóa cũng như giáo dục. Nếu có cơ chế tốt, chính sách đúng, sẽ phát huy được năng lực của họ” - Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Tin và ảnh: Ng.Anh

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP