“Miền đất lửa” sau nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển

- Thứ Sáu, 29/04/2022, 14:23 - Bản đầy đủ
Tại Hội thảo khoa học Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành Cổ năm 1972 - nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức sáng 29.4, các đại biểu một lần nữa nhấn mạnh, thắng lợi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Diễn ra trong giai đoạn lịch sử đặc biệt

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, cách đây 50 năm, thực hiện quyết tâm đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn; Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam trong năm 1972, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Trị - Thiên được xác định là hướng tiến công chủ yếu, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giành thắng lợi đã giải phóng tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hương Điền tỉnh Thừa Thiên.

Quang cảnh hội thảo

Sau đó, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên chuyển vào phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng, trong đó, Thành cổ Quảng Trị là trọng điểm. Chiến thắng Quảng Trị và chiến công bảo vệ Thành cổ cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trong cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972 và chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã tạo nên bước ngoặt quyết định cục diện chiến tranh, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, mà trọng điểm là thị xã và Thành cổ Quảng Trị diễn ra trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã bước sang năm thứ tư và đang đi tới giai đoạn quyết định. Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng khốc liệt suốt 81 ngày đêm để giữ vững thị xã, bảo vệ Thành cổ. Các đơn vị cùng với quân và dân thị xã Quảng Trị đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt của bom đạn kẻ thù, của thời tiết khắc nghiệt, bám trụ kiên cường chiến đấu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh phát biểu tại hội thảo

Từ thế bất lợi khi chuyển vào phòng ngự, quân và dân ta từng bước hoàn chỉnh thế trận, giành lại thế chủ động, đánh bại cuộc phản công của các lực lượng tổng dự bị chiến lược của Quân đội Sài Gòn, được hỏa lực của Mỹ yểm trợ mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương, giữ vững vùng giải phóng; làm thay đổi thế và lực của ta trên chiến trường, phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta trong thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng lúc bấy giờ. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trang sử vẻ vang của dân tộc

Theo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết, Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ Thành cổ diễn ra hết sức ác liệt và giành thắng lợi vẻ vang trong điều kiện mỗi bên đều tập trung nỗ lực cao nhất giành thắng lợi quân sự, phục vụ đấu tranh ngoại giao ở giai đoạn quyết định cho một giải pháp chính trị. Thắng lợi là đòn tiến công quân sự trên hướng tiến công chủ yếu Trị - Thiên, cùng với các hướng chiến lược khác đã góp phần giải quyết căn bản nhiệm vụ của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Quang cảnh hội thảo

Đó là tác chiến chiến dịch - chiến lược có quy mô lớn nhất từ trước đến năm 1972, cả về không gian, thời gian và lực lượng sử dụng. Lần đầu tiên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đòn tiến công quân sự đã giải phóng được không gian chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, đó là tỉnh Quảng Trị - nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên chiến trường miền Nam.

Chúng ta đã bảo vệ Thành cổ và giữ vững vùng giải phóng trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhất, làm thất bại âm mưu tái chiếm nhanh Quảng Trị hòng tạo lợi thế trên bàn đàm phán Pari của địch. Thắng lợi đòn tiến công quân sự trên hướng Trị - Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và nổi dậy ở Khu 5, Khu 8, cùng với thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12.1972… là những thắng lợi quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định làm thất bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.

“Thắng lợi chiến dịch Trị - Thiên và cuộc tiến công chiến lược năm 1972 khẳng định bước phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và mở ra nhận thức lý luận mới về nghệ thuật tác chiến tiến công chiến lược. Chiến thắng trên địa bàn chiến lược Quảng Trị là bản anh hùng ca hay nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta” - Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho hay.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh cũng nhấn mạnh, thắng lợi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là thắng lợi của sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến binh chủng giữa lực lượng vũ trang tỉnh với các đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực

Nằm ở vị trí địa chiến lược của đất nước, từng là vùng đất phải chứng kiến và oằn mình trong nỗi đau chiến tranh, chia cắt của dân tộc trong nhiều thời kỳ lịch sử, Quảng Trị cũng là bản hùng ca nơi tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi cháy lên hy vọng và niềm tin bất diệt về khát vọng hòa bình, thống nhất và tương lai tươi sáng của Tổ quốc. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là đầu cầu chiến lược nối liền hai miền Nam - Bắc, là căn cứ địa, là bàn đạp tiến công để giải phóng miền Nam, là vành đai thép trực tiếp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vùng giải phóng Trung Hạ Lào và là lối mở hành lang chiến lược 3 nước Đông Dương.

Các đại biểu dự hội thảo khoa học

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 là trang sử vẻ vang của dân tộc khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng, sự trưởng thành của các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị nhỏ bé đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào, chiến sĩ ta và ngày nay đã trở thành tượng đài của khát vọng hòa bình.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay, hội thảo là dịp quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị giới thiệu với các quý vị đại biểu, quân và dân cả nước về những thành tựu của tỉnh nhà trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, sau nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Tỉnh Quảng Trị - “miền đất lửa” năm xưa, vùng đất của những chiến công hào hùng sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào sự nghiệp xây dựng quê hương, xứng đáng với niềm tin yêu của quân và dân cả nước, với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất và phồn vinh của đất nước” - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh.

Nguyễn Thúy

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP