TS.Nguyễn Sĩ Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.

Có người từng ví việc xử lý 12 dự án yếu kém mang tính lịch sử. Bởi 12 dự án này bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009. Mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu. Đáng nói là, cơ cấu nguồn vốn của các dự án chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao, quá trình thực hiện đã để thua lỗ nặng nề. Nhiều dự án đã không có khả năng trả nợ đến hạn. Có những dự án vướng ở vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu đã rất trăn trở về vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Thuận Hữu (Hải Phòng) cho rằng để khôi phục kinh tế, phải có các giải pháp giải quyết những tồn đọng lớn đang gây bức xúc như các dự án yếu kém hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu, trùm mền”. Bởi theo ông Hữu, không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng “đắp chiếu” nằm đấy thì càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ... Ông Hữu chỉ ra ví dụ dự án nhiệt điện Thái Bình đầu tư gần đến nơi rồi, còn một đoạn nữa mà vẫn “đắp chiếu”, không xử lý được. Dự án Gang thép Thái nguyên cũng thế. “Chúng tôi rất đau khổ” - ông Hữu chia sẻ.
Có lẽ, chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình như đối với nhóm dự án này. Quốc hội Khóa XIV cũng đã ban hành Nghị quyết số: 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ Hai. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Cùng với đó, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Thực hiện yêu cầu này, trong quá trình xử lý các dự án, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các tổ chức tín dụng liên quan tham gia rất sát sao với mục tiêu chung là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Nói như thế để thấy, Chính phủ đã rất “sốt ruột” bởi các dự án này. Cho đến nay có 5 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVB), Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF) và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất. Cả 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách dự án yếu kém đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp. Những dự án đã chính thức được hồi sinh sau một thời gian dài “trùm mền”, “đắp chiếu” là kết quả của việc tính toán rất cẩn trọng, “được xét trên, dưới, xuôi, ngược theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án”. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm.
Đối với các dự án còn lại, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành là cực kỳ quan trọng. Nếu không có sự chỉ đạo sát sao, có quyết định cụ thể và không có việc bảo vệ cho cán bộ thì không ai dám làm.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Vậy những dự án còn lại thì sao? Nhiều ý kiến cho rằng không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu, làm sao để xử lý đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất. Với những dự án có thể không có thị trường, không có khả năng, chúng ta phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản… Phải đánh giá kỹ từng dự án để có phương án tối ưu, chúng ta không thể tiếp tục nếu như việc duy trì dự án không mang lại hiệu quả.
Đề cập đến xử lý các dự án yếu kém, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, chúng ta đang “xử lý rất thị trường”. Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường, tính đến cả dài hạn. Ngay cả khi sau khi chúng ta khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án; giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan – ông Hiếu nhấn mạnh.
Chúng ta không chỉ đếm ngược cho các dự án đã loại khỏi danh sách các dự án yếu kém, mà đồng hồ đếm ngược cũng được quay cho 7 dự án còn lại bởi nếu chậm giải quyết ngày nào thì sẽ thiệt hại cho đất nước ngày đó. Với những dự án này, theo ông Phan Đức Hiếu cần có sự quyết liệt, dứt điểm từng dự án. Phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan và phải đưa thành luật. Đồng thời, các quy định ban hành tiếp theo cần tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm khi giải quyết công việc.