
Theo số liệu của Chi hội Khoa học đất, thuộc Hội Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 145 sân golf, chiếm gần 50.000ha đất, trong đó có 2.000 ha có được từ chiếm dụng đất nông nghiệp. Mỗi dự án sân golf được phê duyệt phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của cộng đồng dân cư nơi có sân golf, và đương nhiên dự án đó cũng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của cả nước. Thế nhưng thực tế, rất nhiều dự án sân golf không thuộc quy hoạch, hoặc mở rộng diện tích không theo quy hoạch. Nhiều dự án sân golf lấn đất trồng lúa, trong khi ở các nước, sân golf phải nằm trên vùng đồi núi, hiệu quả sử dụng đất thấp.
Nếu phân tích về mức độ hưởng lợi của các đối tượng được thụ hưởng nơi có dự án sân golf, dường như mới chỉ lợi ích của chủ đầu tư là rõ nhất. Một đơn vị kinh doanh sân golf thống kê, thực tế cả nước chỉ có khoảng 5.000 người chơi golf, trong đó chỉ có 2.000 người chơi thường xuyên. Như thế, 140 sân gofl với 50.000ha đất chỉ phục vụ cho một nhóm ít người. Với người dân bị thu hồi đất, chỉ có khoảng 5.000 người đang làm việc trong các sân golf, trong khi không mấy người lao động thu nhập thấp và trung bình được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí một sân golf. PGs, Ts Nguyễn Hồng Thục thuộc Viện Nghiên cứu định cư, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam cho rằng, các dự án sân golf chưa làm tốt việc hình thành quy hoạch vành đai xanh, chưa thu hút được mọi người dân tham gia, tức là thiếu tính cộng sinh. Trong thời đại phát triển kinh tế như hiện nay, rõ ràng tính đại trà của kinh tế sân golf cần tính đến. Nếu khơi gợi được cộng đồng, đây chính là nguồn tài chính và động lực để phát triển kinh tế sân golf.
Với số lượng người chơi golf thấp trên tổng diện tích và số sân golf quá lớn như vậy, đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc xin cấp phép xây dựng sân golf của các chủ đầu tư đó là lợi dụng đất sân golf để kinh doanh bất động sản. Nếu không tách bạch được hai hạng mục kinh doanh này sẽ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Ông Tôn Gia Huyên thuộc Chi hội Khoa học đất, thuộc Hội Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chỉ ra rằng: đã gọi là kinh doanh sân golf thì sẽ gắn liền với kinh doanh bất động sản, nhưng phải có hai chính sách khác nhau để điều chỉnh hai loại hình kinh doanh này, bởi kinh doanh bất động sản hoàn toàn mang tính kinh tế, còn sân golf có màu sắc văn hóa, thể thao. Do đó, Nhà nước cần có những quy chế quản lý rõ ràng, và các nhà đầu tư cũng phải sòng phẳng khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực sân golf.
Thực tế cho thấy từ thiếu quy hoạch thống nhất đã dẫn đến nguy cơ đe dọa môi trường. Một nghiên cứu của Trường Đại học Nông nghiệp 1 tại sân golf Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho thấy, từ khi sân golf này đi vào hoạt động, năng suất cây trồng, vật nuôi quanh vùng giảm hẳn. Sân golf này cũng chặn đường tưới cho đất nông nghiệp xung quanh và sau một thời gian hoạt động, trong mạch nước ngầm ở đây có hiện tượng nhiễm asen (loại chất có trong các loại thuốc diệt cỏ dại gây hại đến chất lượng nước ngầm). Nhiều nước trên thế giới đã có các bộ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đối với sân golf nhưng nước ta thì vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn này, do đó rất khó khăn cho việc kiểm soát chất thải từ các sân golf, đặc biệt khi có nhiều sân golf nằm gần nhau. Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, cần đánh giá tác động của sân golf đến môi trường. Việc nuôi cỏ sân golf khác với cây trồng nông nghiệp, do đó phải đánh giá được mức độ tác động của hóa chất đó đến môi trường. Hiện nhiều nước có tiêu chuẩn đơn giản nhất là hồ cạnh sân golf phải nuôi được cá thì mới chứng tỏ là xử lý chất thải tốt. Và với lượng sân golf ở Việt Nam ngày càng nhiều như hiện nay đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá các tác động về môi trường đối với sân golf.
Thực tế ở nhiều nước phát triển, mật độ phát triển sân golf cũng khá dày so với mật độ dân cư, nhưng sự phát triển đó được nắn theo đúng nghĩa, bảo đảm lợi ích của chủ đầu tư, người dân, người chơi golf và kinh tế xã hội. Các chuyên gia kinh tế đề xuất, nên giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm đầu mối trong việc phát triển các sân golf theo đúng nghĩa. Còn việc quy hoạch tổng thể trên phạm vi toàn quốc cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, và càng sớm càng tốt.