Phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào tài nguyên

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:49 - Bản đầy đủ
Ngành công thương phải tiếp tục phấn đấu, đạt kết quả tốt hơn năm 2020 về mọi mặt để góp phần phát triển đất nước; đồng thời phải lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh thay vì phụ thuộc vào tài nguyên. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành sáng 7.1.

31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, kết thúc năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2020 có 31 mặt hàng, trong đó 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92%.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục với 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phát triển công nghiệp nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh quốc tế cao. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Năng lực sản xuất công nghiệp nội tại của nền kinh tế còn hạn chế và phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có với các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn…

Chia sẻ tại hội nghị, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức cho biết năm 2020, doanh nghiệp ô tô đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, nhờ chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã đẩy mạnh sản lượng bán ra. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, ông Đức mong muốn Thủ tướng gia hạn các chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp sang năm 2021 để tạo động lực cho phát triển; đồng thời xem xét bổ sung ô tô vào danh mục sản phẩm công nghệ cao nhằm nâng tầm vị thế ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Nguồn: ITN

Lấy khoa học công nghệ làm nền tảng cạnh tranh

Dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính của Bộ Công thương. Thủ tướng ghi nhận thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, hàng hóa của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh ở những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ…

Thủ tướng cũng đánh giá ngành công thương đã thúc đẩy liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản; bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp; Đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng lưu ý ngành tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề. Đó là, ngành công nghiệp phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các chỉ tiêu về nội địa hóa. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.  

Bên cạnh đó, tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn chậm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp. Các liên kết ngành vẫn còn mới manh nha, manh mún, khiến cho sức cạnh tranh chưa cao, đóng góp còn hạn chế. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống của một số địa phương đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng vẫn dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thủ tướng đề nghị ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào tài nguyên, thay vào đó phải dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. Đồng thời, bám sát những nhiệm vụ trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ vừa ban hành, cần coi đây là trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm.

Minh Hương

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP