Cơ hội đi kèm thách thức

- Thứ Hai, 08/11/2021, 10:17 - Bản đầy đủ
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU cũng đạt tỷ lệ khá cao, ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.

Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho nước ta cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.

Còn theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với các hiệp định FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Hiệp định EVFTA tương đối cao, có 30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác. Và EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi.

Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, tại Tọa đàm Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tiếp cận các thông tin và chính sách ưu đãi, đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bền vững... Các cơ quan đại diện tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách đồng bộ tại các thị trường châu Âu.

Những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình triển khai Hiệp định EVFTA không phải là "cá biệt". Thực tế, việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP hay EVFTA... không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo đó là những rủi ro và thách thức, nhất là về năng lực cạnh tranh, về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường. Ngoài ra, những hạn chế như sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức cũng đã và đang là rào cản khiến cho không ít cơ hội từ FTA bị bỏ lỡ.

Để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA nói chung, Hiệp định EVFTA nói riêng, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và  giải quyết có hiệu quả các tranh chấp nếu có.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Ninh Khương

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP