Sổ tay:

Xóa bỏ niềm tin vô căn cứ

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:29 - Bản đầy đủ
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, cũng như tăng cường thực thi pháp luật, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp, song tình trạng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn diễn ra. Để việc thực thi pháp luật bảo vệ động vật thực sự nghiêm minh, có hiệu quả, việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp là điều cần thiết.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống, đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Trong đó việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) coi tội phạm động vật hoang dã là nghiêm trọng với khung hình phạt rất nghiêm khắc đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ các sản phẩm từ động vật hoang dã và nhiều văn bản pháp luật khác quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ các loài hoang dã.

Tuy nhiên, nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn diễn ra trong thời gian qua, ngay cả trong đại dịch Covid-19, hoạt động này giảm không đáng kể. Hoạt động nhập khẩu và trung chuyển mẫu vật động vật hoang dã bất hợp pháp ngày càng tinh vi. Điều này được minh chứng qua một nghiên cứu về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam do USAID thực hiện, nghiên cứu chỉ rõ có khoảng 50% người mua và sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê nhận thức không đầy đủ về các điều luật và các hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã của cộng đồng còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; niềm tin của một bộ phận người dân vào việc sử dụng động vật hoang dã để trị bệnh, làm đồ thủ công mỹ nghệ hay đem lại may mắn, thịnh vượng vẫn tồn tại.

Tại buổi lễ phát động Chiến dịch “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” với nhiều hoạt động sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2020 - 2021, các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, hệ động thực vật phong phú, nhưng tài nguyên thiên nhiên nói chung và đa dạng sinh học nói riêng ngày một suy giảm. Đã có nhiều loài động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật, thậm chí bị giết mổ, làm thành những món ăn ở các nhà hàng, phục vụ thói quen tiêu xài lãng phí, thời thượng của một bộ phận dân cư…

Để ngăn chặn tình trạng trên, cần tăng hình phạt các hành vi buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Bên cạnh đó, tăng cường chiến dịch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã cho người dân là cần thiết. Bởi thông qua các chiến dịch truyền thông, với các thông điệp cụ thể sẽ thúc đẩy sức mạnh của cộng đồng xã hội cùng chung tay trong việc ngăn ngừa và phòng chống loại hình tội phạm này. Đồng thời, các hoạt động truyền thông cần được phối hợp với các trường đại học y, dược, các phòng khám đông y để giảm thiểu việc sử dụng động vật hoang dã, góp phần thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã với niềm tin vô căn cứ.

Hải Thanh

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP