Dự kiến không tăng học phí năm học 2023 - 2024
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới đây, sau khi nghe nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT và ý kiến của cơ quan liên quan, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT thống nhất với các Bộ để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, dự thảo sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Đồng thời, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các nghiên cứu để đề xuất nghị định mới thay thế Nghị định 81, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12.
Gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư mong bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Đầu tháng 8.2023, gần 2.500 giáo viên các cấp tại Hà Nội cùng xác nhận tâm thư với mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn TP.Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.
Tâm thư này được đưa ra sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội ra công văn "hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng đối với giáo viên Mầm non, phổ thông công lập". Công văn của Sở Nội vụ Hà Nội "hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non, phổ thông công lập" cũng nói rõ hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng.
Nhiều thầy cô bày tỏ lo lắng khi bản thân là giáo viên dạy giỏi cấp cụm, cấp thành phố, năng lực chuyên môn đã được khẳng định trong thực tiễn công tác nhưng lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu không may sơ suất trong một môn thi nào đó, như tiếng Anh hoặc Tin học. Trong khi đó, với những giáo viên ngoài 50 tuổi thì khả năng tiếng Anh và Tin học hạn chế hơn giáo viên trẻ.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ GD-ĐT cho biết đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD-ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.
Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương
Vừa qua, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT khi quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến cho ngành.
Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30.8.2023. Với quy định này, nhiều giáo viên đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Trong đó, Bộ GD-ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.
Hơn 660.000 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2023
Số liệu ghi nhận trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT đến khi kết thúc đăng ký xét tuyển vào cuối ngày 30.7 cho thấy, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 là hơn 660.000, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, tỷ lệ này là 64,07%.
Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 là hơn 3,4 triệu. Số nguyện vọng trung bình của một thí sinh là 5,16 (trong khi năm trước là 4,78).
Sau khi hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh bước vào quá trình nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31.7 đến 17h ngày 6.8.
Hai trường đại học dừng tuyển sinh ngành sư phạm vào “phút chót”
Ngay trước thời điểm thí sinh hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ngày 30.7), Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức bất ngờ đưa ra thông báo về việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Thông báo cho biết 2 trường này vẫn chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ. Do đó, thí sinh có nguyện vọng học ngành đào tạo giáo viên tại trường cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng sang các cơ sở giáo dục đại học khác.
Thông tin này khiến rất nhiều thí sinh xác định xét tuyển vào ngành sư phạm tại 2 trường này hoang mang.
Ngay sau vụ việc, ngày 31.7, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Thanh Hóa đã họp bàn, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm và được UBND tỉnh đồng ý.
Tới ngày 1.8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành sư phạm cho Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa để các trường tổ chức tuyển sinh theo quy định.
Một thí sinh đạt 26 điểm nguy cơ trượt đại học vì sơ suất nhập nguyện vọng
Nam sinh này quê Bắc Giang, đạt 26.1 điểm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, em cũng đạt 74,04/100 điểm ở bài thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Với kết quả này, nam sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tự tin có thể trúng tuyển, nam sinh không đăng ký thêm nguyện vọng nào khác.
Tới ngày 31.7, một ngày sau khi Bộ GD-ĐT đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nam sinh mới phát hiện chưa nhập mã xác thực (OTP) để xác nhận đăng ký, tức là chưa đăng ký nguyện vọng thành công.
Nam sinh đã liên hệ ngay với Ban tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không thể xử lý. Sau khi được hướng dẫn, em đã gửi đơn lên Bộ GD-ĐT mong được xem xét, hỗ trợ.