“Quả đấm thép” tạo ra bước phát triển đột phá cho giáo dục đại học Việt Nam
GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết,đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi cả nước đang trong quá trình đổi mới: "Giáo dục và đào tạo đại học nói riêng cũng đang bước vào công cuộc đổi mới. Khi bàn về đổi mới cơ cấu hệ thống của trường đại học, đã bắt đầu xuất hiện những ý tưởng mới từ chính những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - vị thủ tướng nổi tiếng về tư tưởng cải cách của Việt Nam lúc bấy giờ - có ý tưởng xây dựng một trung tâm đại học mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, được ví như một “quả đấm thép” giúp tạo ra bước phát triển đột phá cho giáo dục đại học Việt Nam.
Trước đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển trên cơ sở các trường đại học đơn ngành, phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung; đào tạo nhân lực theo kế hoạch nhằm vào làm việc tại các vị trí việc làm cụ thể trong hệ thống các ngành nghề. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhu cầu sử dụng nhân lực thay đổi, nền kinh tế cần những người lao động có thể linh hoạt chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức nghề nghiệp trên một nền tảng kiến thức chung rộng. Thực tế ấy dẫn đến yêu cầu phải cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cần thiết phải có một số trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực để đào tạo nhân lực theo hướng trên.
GS.VS Đào Trọng Thi chia sẻ, trong lịch sử giáo dục đại học hiện đại Việt Nam, Đại học Đông Dương dưới thời Pháp thuộc đã từng là đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều sinh viên và giảng viên của Đại học Đông Dương là những bậc tiền bối nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cổ Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Chủ tịch Lào Souphanouvong, nhà khoa học nổi tiếng Louis Paster, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di… Sau Cách mạng tháng Tám, Đại học Đông Dương phát triển thành Đại học Quốc gia Việt Nam của Nhà nước Việt Nam độc lập. Như vậy, mô hình ĐHQG có sự kế thừa từ một đại học đã có trong lịch sử giáo dục nước nhà.
GS. Đào Trọng Thi cho biết thêm, việc tái lập một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao (kế thừa Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây) trên cơ sở phát triển Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội - vốn là trường đại học trọng điểm đầu ngành trong lĩnh vực khoa học cơ bản - để thực hiện sứ mệnh đầu tàu đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam còn là nguyện vọng của đông đảo giáo chức lúc đó.
GS. Đào Trọng Thi cho hay, mô hình ĐH Quốc gia là một mô hình hoàn toàn mới mẻ với chính những người được giao trách nhiệm xây dựng ĐHQGHN. Việc thành lập ĐHQGHN đã vấp sự nghi ngờ, thậm chí phản đối của nhiều cơ quan và cán bộ lãnh đạo. Người ta thắc mắc không biết phải xếp ĐHQGHN - với cơ cấu chuyên môn và cơ chế hoạt động đặc thù, không giống các trường đại học khác như thế - vào vị trí nào trong hệ thống giáo dục.
Lúc đó, đã có một vài phương án được đề xuất nhằm tạo cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực cho ĐHQGHN, trong đó có ý tưởng sáp nhập gần chục trường đại học trọng điểm ở Hà Nội lúc bấy giờ như: Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… nhưng sáp nhập các trường đại học là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Cuối cùng, Chính phủ quyết định bắt đầu từ 3 trường đầu tiên là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Nhưng trên thực tế, các trường này đều thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, không những không bổ sung cho nhau mà còn trùng lặp, chồng chéo về cơ cấu chuyên môn.
Không chỉ dừng lại ở đó, thời bấy giờ, mô hình về một đại học trực thuộc Chính phủ và có quyền tự quyết định nhiều vấn đề trong các hoạt động chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Vì vậy, việc thực hiện cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN ra sao cũng rất lúng túng và gặp nhiều trắc trở. Đặc biệt, việc tổ chức, sắp xếp lại và phát triển cơ cấu chuyên môn cũng rất phức tạp; việc định hình đào tạo chất lượng cao, hướng đi nào để đi tới chất lượng cao cũng rất mơ hồ.
Sau một thời gian tìm kiếm giải pháp tối ưu nhất để sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu ĐHQGHN, Đảng ủy ĐHQGHN đã quyết định thay đổi phương thức phát triển cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng phát huy nội lực, tự xây dựng các lĩnh vực mới trên cơ sở những ngành học có sẵn.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ ĐHQGHN chủ trương ban đầu thành lập các khoa trực thuộc ĐHQGHN về các lĩnh vực mới, từng bước phát triển và đến khi đủ điều kiện thì nâng cấp thành các trường thành viên. Một loạt các khoa trực thuộc đã ra đời sau đó như: Khoa Công nghệ (nay là Trường ĐH Công nghệ) được thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Điện tử Viễn thông của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Khoa Kinh tế (nay là Trường ĐH Kinh tế) và Khoa Luật (nay là Trường ĐH Luật) phát triển từ Khoa Kinh tế Chính trị và Khoa Luật của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa Sư phạm (nay là Trường ĐH Giáo dục) được xây dựng hoàn toàn mới… Thế mạnh vẫn được xác định là các ngành khoa học cơ bản, còn những lĩnh vực khác thì không phát triển toàn diện, dàn trải mà chỉ lựa chọn phát triển những hướng hiện đại, mũi nhọn nhất.
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán và sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương và sự phát huy nội lực, ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã phát triển không ngừng, từng bước khẳng định vị trí nòng cột, đầu tàu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng trong bối cảnh mới. Đặc biệt qua thực tiễn, mô hình ĐHQG đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành vai trò nòng cột cho nền giáo dục
Thực tiễn cho thấy, mô hình ĐH Quốc gia đã phát huy hiệu quả trong suốt thời gian qua và đặc biệt thể hiện rõ rệt vai trò nòng cột khi nền giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng gặp những khó khăn, thách thức.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau 30 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vẫn luôn là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế.
Đến nay, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học tự chủ, trên cơ sở thế mạnh nền tảng là khoa học cơ bản để phát triển khoa học ứng dụng và đổi mới sáng tạo đa ngành, đa lĩnh vực với cơ cấu tổ chức gồm 37 đơn vị, gồm: Cơ quan ĐHQGHN và 36 đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, bao gồm: 09 trường đại học, 05 viện nghiên cứu thành viên; 02 trường, 02 khoa, 01 viện nghiên cứu trực thuộc; 02 trung tâm đào tạo môn chung; 14 đơn vị phục vụ, dịch vụ và Bệnh viện Đại học Y Dược; luôn đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học trong các vấn đề quản trị đại học và chuyên môn học thuật, góp phần định hình và triển khai nhiều chính sách thành công của ngành giáo dục như kiểm định và đảm bảo chất lượng, đào tạo tài năng…
Hiện nay, ĐHQGHN có 2739 cán bộ khoa học. Trong số 2.273 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 66 giáo sư và 490 phó giáo sư, chiếm 24,5%; Số giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là chiếm 65% (tỉ lệ trình độ tiến sĩ của đội ngũ giảng viên cả nước đạt xấp xỉ 25%); Số cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là 1.691 người, đạt tỷ lệ xấp xỉ 62%. Bên cạnh đó ĐHQGHN còn có đội ngũ 63 Nhà giáo Nhân dân và 141 Nhà giáo Ưu tú.
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đào tạo được gần 280.000 nhân lực cho đất nước, với gần 230.000 cử nhân, gần 43.000 Thạc sĩ và gần 3.000 tiến sĩ.
ĐHQGHN đã có 210 phòng thí nghiệm ở các lĩnh vực, trong đó có 01 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước, 09 phòng thí nghiệm trọng điểm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN. Đồng thời, ĐHQGHN có 36 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN với các tiêu chí về chất lượng tương đương với nhóm nghiên cứu mạnh cấp Nhà nước.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, các cán bộ khoa học của ĐHQGHN đã công bố được tổng cộng 6.410 bài báo khoa học thuộc hệ thống danh mục WoS/Scopus. Tỷ lệ gia tăng trung bình trong cả giai đoạn (2016-2022) là 15,58%.
Đến năm 2023, về tổng thể ĐHQGHN ở nhóm 401-600 thế giới trong số 1591 cơ sở giáo dục được xếp hạng (tăng 185 cơ sở giáo dục đại học khi so với kỳ xếp hạng trước) với thứ hạng về mục tiêu Giáo dục có chất lượng (Quality Education) có sự bứt phá mạnh mẽ khi đứng ở vị trí 70 thế giới (thứ 5 Đông Nam Á và thứ 1 ở Việt Nam). Trong kỳ xếp hạng này, ĐHQGHN tham gia xếp hạng tại 7 SGDs, trong đó có 2 SDGs nằm trong top 100 và 4 SDGs ở top 201-300.
Những năm qua, học sinh Trung học phổ thông Chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã giành được 61 huy chương Olympic khu vực; 240 huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế, trong đó có 77 huy chương Vàng, 87 huy chương Bạc và 76 huy chương Đồng. Đặc biệt, số huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2023 do học sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt được chiếm 50% tổng số huy chương Vàng của cả nước.
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo mô hình đại học thông minh, đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị đã được chính thức đưa vào vận hành, từng bước hoàn thiện, đồng bộ theo hướng “5 trong 1”, góp phần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới. Theo đó, ĐHQGHN thực hiện Đề án “Chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên chính quy học tập tại Hoà Lạc”, với mục đích sinh viên hướng tới đảm bảo khỏe về thể chất - mạnh về tinh thần - giỏi về kỹ năng xã hội – năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và bối cảnh thời đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội ngang tầm khu vực và quốc tế
Ngày 14.4.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, làm việc và tặng cây xanh tại cơ sở Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Phát biểu ý kiến với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐHQGHN luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các lớp cha anh đi trước đã làm nên thương hiệu ĐHQGHN như ngày nay; tin tưởng và mong ĐH phát huy truyền thống lịch sử này; quyết tâm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, quyết tâm trồng thêm nhiều cây xanh.
Thủ tướng mong ĐHQGHN bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hoá để thực hiện. "Con người phải có giáo dục, học hành, nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân tài để phân bổ nguồn lực, phát huy mọi khả năng để khai thác mọi tiềm năng, cơ hội để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phát triển thời gian tới, Thủ tướng đề nghị huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một Khu Đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực và thế giới theo mô hình 5 trong 1; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo; mạnh dạn làm thí điểm. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có liên quan và UBND thành phố Hà Nội tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của ĐHQGHN.
GS.VS Đào Trọng Thi khẳng định: “ĐH Quốc gia là một mô hình tổ chức giáo dục đào tạo mới, được hình thành từ chủ trương cực kỳ đúng đắn, có tầm chiến lược lâu dài của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc tập trung nguồn lực xây dựng ĐHQG thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hiện đại, sớm có khả năng hội nhập với nền giáo dục thế giới đã cho thấy sự nhất quán từ chủ trương tới hành động của lãnh đạo cấp cao”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “ĐH Quốc gia Hà Nội là một đại học lớn hàng đầu của Việt Nam, có truyền thống lâu đời và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước luôn giao cho ĐHQGHN sứ mệnh là đầu tàu để phát triển nền giáo dục và đào tạo, cũng như đóng góp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Với vị thế hiện nay và bề dày thành tựu đã có, đặc biệt là sự quan tâm và kì vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, với những gì đã đạt được, với tiềm lực khoa học, đội ngũ nhà giáo hùng hậu, chắc chắn ĐHQGHN sẽ có những phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và sự nghiệp khoa học - công nghệ của đất nước, xứng đáng với tên gọi ĐHQGHN.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ: "Sau 30 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, các thế hệ nhà khoa học, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và người lao động của ĐHQGHN đã đoàn kết, nỗ lực để xây dựng một đại học hàng đầu mang bản sắc Việt Nam, bước đầu đã hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, chất lượng đào tạo vào nhóm hàng đầu khu vực và thế giới; đã chuyển trụ sở và hoạt động về Hòa Lạc, từng bước xây dựng Khu Đô thị đại học theo đúng định hướng của Đảng, Chính phủ, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ thầy trò và cán bộ viên chức của ĐHQGHN.
Hy vọng tiếp tục nhận được sự tin tưởng, đầu tư và giao nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc thể chế hóa các quan điểm đúng đắn của Đảng và lãnh đạo Chính phủ về mô hình Đại học Quốc gia để ĐHQGHN có cơ hội và điều kiện hoàn thành sứ mệnh của mình trong vai trò làm nòng cột và tiên phong của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, làm một động lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, có những đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".