Không gian rộng, khách hàng đa dạng
Theo các chuyên gia, xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng của thế giới và đang tạo ra “kỷ nguyên bứt phá” hợp tác cho các quốc gia, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp của Việt Nam.
Đánh giá về xu hướng này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, cùng với sự phát triển, nhu cầu của khách hàng ngày càng hướng tới đa dạng hóa nguồn cung, trên nhiều khu vực địa lý khác nhau đang tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu trực tuyến, mở rộng thị trường.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu trực tuyến là một trong những phương thức mua bán, kinh doanh hữu hiệu mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang thực hiện. Các doanh nghiệp có thể xuất khẩu các mặt hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp, đối tác xuyên biên giới, thậm chí là bán lẻ cho các chủ thể, cá nhân hoặc hộ gia đình ở nước ngoài. Mô hình này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi các quốc gia đang số hóa nền kinh tế.

Việc các doanh nghiệp tham gia sâu, rộng vào xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới sẽ mang lại nhiều ưu thế, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hình thức xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được kết nối, tìm kiếm khách hàng và thực hiện các hoạt động mua bán toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng ưu thế không gian mạng về độ linh hoạt, khả năng tiếp cận chủ thể đa dạng để tiêu thụ hàng hóa nhằm gia tăng số lượng sản phẩm bán ra.
Thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn như: Amazon, Etsy, Alibaba… Đã có hàng chục triệu sản phẩm thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới bằng phương thức xuất khẩu trực tuyến. Điều này không những làm tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu mà còn giúp gia tăng việc nhận diện thương hiệu, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng của Việt Nam. Đồng thời, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử cũng tăng lên… tăng thêm niềm tin, uy tín của các sản phẩm Việt với khách hàng nước ngoài.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, xu hướng này phản ánh nỗ lực đổi mới không ngừng, liên tục mở rộng, sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu và sẵn sàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, dù là doanh nghiệp nhỏ. Cũng không thể phủ nhận thực tế, còn nhiều doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng, thiếu nguồn lực và nhân lực phù hợp để bắt đầu chuyển đổi số và nắm bắt cơ hội kinh doanh mới qua các sàn thương mại điện tử.
Vươn tầm từ ngành hàng có thể mạnh
Theo các chuyên gia, cùng với những Hiệp định thương mại tự do đã ký, Việt Nam có lợi thế ở khá nhiều ngành hàng. Trong đó, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội các ngành tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển như nông nghiệp, may mặc, phụ kiện bao bì, in ấn và nội thất, thực phẩm... Do nhu cầu hàng hóa của khách hàng trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng, nên các doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu của các thị trường ở nhiều quốc gia khác nhau để phát triển các sản phẩm cho phù hợp.
Ngoài ra các chuyên gia cũng lưu ý, ở một số thị trường rào cản kỹ thuật khá cao, khách hàng cũng quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp, sản phẩm sản xuất xanh, phát triển bền vững và có trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp cũng nên chú ý điều này để tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhu cầu của các tệp khách hàng.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần chú trọng đến việc đổi mới hợp tác, thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà mua và nhà bán để tìm tiếng nói chung, nhanh chóng có các phương án để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có hàm lượng sáng tạo cao, dễ điều chỉnh cho phù hợp với từng thị trường…

Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến thiết kế mẫu mã, xây dựng và nhận diện thương hiệu sản phẩm nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế…
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, đan xen với những cơ hội, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu thông qua hình thức số hoá trên không gian mạng cũng có những rủi ro nhất định. Vì thế, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng và hiểu biết về xuất khẩu xuyên biên giới, kỹ năng quản trị khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cũng cần nắm rõ quy định của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi mà các Hiệp định này mang lại. Chú trọng việc tìm hiểu quyền lợi cũng như trách nhiệm trong phương thức nhận đơn đặt hàng, hình thức thanh toán, thời gian, phương thức giá thành vận chuyển… để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và khách hàng, tránh bị lừa đảo hoặc đối tác lợi dụng trong quá trình kinh doanh, mua bán các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là với những đơn hàng khối lượng lớn, giá trị cao…
Các chuyên gia cũng chỉ ra, để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam, vẫn cần các chính sách mang tính tiên phong, hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận cơ hội, tăng cường kỹ năng, kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến. Đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường…