Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục
- Sau nhiều năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng nào, thưa ông?
- Xác định chương trình xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, vì vậy, chương trình luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ khi bắt tay thực hiện chương trình vào năm 2010, tỉnh mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn gặp khó khăn về nhiều mặt. Sau hơn 12 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật.
Hiện nay, tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 71,3%. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,44 tiêu chí/xã. Có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM.
Thực hiện xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được hoàn thiện, nâng cấp, hình thành nhiều tuyến đường xanh - sạch - sáng - đẹp; trường học, thiết chế văn hóa, hệ thống thủy lợi, nước sạch… được đầu tư đồng bộ.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với chuỗi giá trị dần được hình thành, từ đó cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần được mở rộng ở các địa phương; Chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh, văn minh hơn.
- Xin ông chia sẻ một số mô hình phát triển sản xuất, cách làm hiệu quả để Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đi vào thực chất, bền vững và có chiều sâu?
- Thời gian qua, đã có nhiều mô hình điển hình phát triển sản xuất, triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân. Điển hình như mô hình trồng cam, chuối đặc sản, mô hình cây dứa Cayen ở huyện Nam Đông; cải tạo đàn bò, trồng sâm bố chính, du lịch cộng đồng ở huyện A Lưới; huyện Quảng Điền đã xây dựng được một số sản phẩm chủ lực như trà rau má, bột matcha rau má Quảng Thọ, rau xanh VietGap Hóa Châu, Quảng Thành, mướp đắng Quảng Thái, khoai lang tím Quảng Công, mây tre đan Bao La - Quảng Phú, bún bánh Ô Sa - Quảng Vinh; huyện Phú Lộc đã phát triển trồng rừng gỗ lớn, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản; huyện Phú Vang phát triển giống lúa chất lượng cao, du lịch biển đầm phá, khai thác đánh bắt thủy hải sản. Thị xã Hương Thủy với mô hình trồng bưởi thanh trà, hương sạch Tân Nguyên, kinh tế trang trại, gia trại…
Đến nay toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP, trong đó 17 sản phẩm 4 sao, 35 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.
Chuyển đổi số hướng đến NTM thông minh
- Chương trình xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số, hướng đến NTM thông minh đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
- Các xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) và xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là hai địa phương được tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo xây dựng chương trình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Trong đó, mô hình xã thông minh Quảng Thọ được tỉnh, huyện và chính quyền địa phương đầu tư hiệu quả, được chọn là mô hình thí điểm của Trung ương.
Theo đó, chính quyền số ở xã Quảng Thọ bước đầu đạt kết quả khả quan. Địa phương đã tiến hành nâng cấp khá toàn diện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đưa vào hoạt động phòng điều hành xã thông minh với diện tích hơn 40m2 với các trang thiết bị được lắp đặt.
Xã Quảng Thọ đã đưa vào hoạt động phòng họp trực tuyến cùng với các thiết bị phục vụ họp trực tuyến được, thực hiện báo cáo số liên thông đến Văn phòng Chính phủ trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cùng các hệ thống báo cáo khác theo yêu cầu. Đồng thời, thành lập và đưa vào hoạt động trang fanpage “Cổng thông tin xã Quảng Thọ” trên mạng xã hội facebook. Các hoạt động của chính quyền còn được đăng tải thường xuyên trên trang thông tin điện tử xã. Các ý kiến tương tác của người dân tại mục “Tiếp nhận ý kiến công dân, tổ chức” cũng được UBND xã quan tâm giải đáp và cho hiển thị công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương. Hệ thống internet đã phủ khắp các thôn trên địa bàn xã (9/9 thôn có điểm wifi công cộng).
Kinh tế số ở Quảng Thọ đang có bước chuyển biến tích cực. Mô hình HTX số tại HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 xây dựng hệ thống số hóa kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Xã quảng bá du lịch địa phương bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tại ảo tăng cường), gắn với quảng bá và thương mại sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Với xã hội số, xã Quảng Thọ xây dựng phòng giám sát điều hành xã thông minh cấp xã tích hợp dữ liệu của các hệ thống. Trong đó, đáng kể đến là hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính. Hệ thống camera được lắp đặt trên địa bàn xã để quan sát tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Xã còn tích hợp kết quả thu được từ một thiết bị quan trắc chất lượng không khí “PAM Air”, một thiết bị đo mưa tại địa bàn xã và đang triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi cá lồng trên sông.
Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân
- Bên cạnh những kết quả đạt được, ông có thể nêu những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng NTM của tỉnh là gì?
Trong số các xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh, là những xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các xã thuộc huyện nghèo hoặc các xã vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Đây là những địa phương hết sức khó khăn trong xây dựng NTM; các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước hiện mới chỉ đạt ở mức tiệm cận, chưa thực sự bền vững vì vậy so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 thì hầu hết các xã này đều không đạt theo chuẩn mới.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng NTM, việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cao các tiêu chí, phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.
Ngoài ra, một bộ phận người dân và cán bộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình xây dựng NTM. Việc xác định lộ trình, giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số xã còn chung chung, thiếu tính thực tế, việc giao nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo chưa cụ thể và chồng chéo.
- Vậy theo ông, để khắc phục những khó khăn, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, tỉnh đã có những định hướng và giải pháp cụ thể ra sao?
- Trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn NTM so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, các điều kiện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của TP. Huế và huyện Phong Điền trình Trung ương thẩm định.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, triển khai Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, phấn đấu có 1 - 2 đề tài nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản góp phần gia tăng giá trị và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 2 huyện A Lưới và Nam Đông theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí khoảng hơn 3.662 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được bố trí khoảng 3.044 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn ông!
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương)