Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại
Mô hình Giảng đường an toàn được thực hiện với các hoạt động chính gồm: đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học làm cơ sở xây dựng chính sách bảo đảm an toàn cho sinh viên; xây dựng Trung tâm thông tin - tư vấn để hỗ trợ sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực giới và những người quan tâm; chiến dịch truyền thông trực tiếp và trực tuyến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho sinh viên về bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó về quấy rối và bạo lực tình dục cho các giảng viên, cán bộ nhà trường.
Tại tọa đàm, ông Đinh Văn Hải, đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, là một trường kỹ thuật với số lượng sinh viên lớn, nên để xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện với sinh viên và các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp như: ban hành bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, đưa vào nội quy sinh viên, thành lập Trung tâm thông tin - tư vấn hỗ trợ cho sinh viên để kiến tạo một môi trường học đường thực sự thân thiện. "Đến nay, không có bất kỳ hình thức bạo lực nào xảy ra với các em sinh viên và cả cán bộ, giảng viên trong nhà trường.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phạm Hùng Anh, Việt Nam là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất khoảng cách giới trong 20 năm qua và đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại, đặc biệt là tỉ lệ bạo lực đối với phụ nữ. Ngành giáo dục hiện có khoảng 25 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, trong đó hơn một nửa là nữ giới.
Hiện nay, ngành Giáo dục đã có văn bản chỉ đạo để thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học, khuôn viên trường đại học. Cùng với đó, ngành hướng tới xây dựng chính sách riêng cho các trường đại học. Những số liệu và bài học thu được trong quá trình thực hiện dự án sẽ làm cơ sở có giá trị cho các nhà quản lý giáo dục, ban hành những chính sách thiết thực, hiệu quả bảo đảm môi trường học đường an toàn, không bạo lực.
Cần dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống
Việc nỗ lực chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ dù đã được nhiều quốc gia cam kết, nhưng cứ 1 trong 3 phụ nữ trên toàn thế giới cho biết từng trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời.
Nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong lĩnh vực luật pháp và chính sách, cũng như cải thiện dịch vụ cho những người trải qua bạo lực. Công tác phòng ngừa và nhu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề cũng ngày càng tập trung hơn.
Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất vẫn là sự tồn tại của các thái độ, chuẩn mực và hành vi gây ra những định kiến tiêu cực và tình trạng chấp nhận bạo lực đối với phụ nữ.
Tại tọa đàm, đại diện 18 trường đại học trên toàn quốc đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới.
Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ Nguyễn Vân Anh cho rằng, các quy định, chính sách của trường đại học, hay các bộ, ngành cũng phải theo kịp với những khát vọng thay đổi đầy tính nhân văn và tiến bộ của người trẻ.
"Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để một/nhiều thế hệ trí thức trẻ, người Việt trẻ có thể tự tin xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và mạnh mẽ trong thế giới rộng lớn với những đòi hỏi ngày càng tinh tế và nghiêm khắc”, bà Vân Anh nhận định.