Ký kết 44 bản Thỏa thuận quốc tế cấp sở, ban, ngành
UBND tỉnh Đồng Nai ban hành các cơ chế, chính sách hợp tác quốc tế, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể: Kế hoạch số 6476/KH-UBND ngày 16.7.2014 về việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Quyết định số 2509/QĐ-UBND ngày 13.8.2014 về Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2017. Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 22.1.2020 về Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025.
Về công tác tổ chức triển khai thực hiện, trong giai đoạn 2015 - 2020, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, theo đó, ký kết 44 Bản Thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp sở, ban, với 27 địa phương, đối tác nước ngoài có tiềm năng và 45 bản hợp tác quốc tế cấp sở, ban, ngành với 40 cơ quan, tập đoàn, công ty và tổ chức nước ngoài thuộc 17 quốc gia trên thế giới gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Bỉ, Hàn Quốc, Israel, Singapore, Ukraine, Thái Lan, Philippines, Lào và Campuchia. Trong đó có 11 Bản thỏa thuận quốc tế tái ký kết cấp tỉnh. Thành lập 9 Hội hữu nghị song phương với các nước Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia. Năm 2020, tỉnh tiếp tục thành lập Hội hữu nghị đa phương ASEAN - tỉnh Đồng Nai phù hợp với tình hình mới.
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp UBND cấp huyện tích cực, chủ động triển khai, xây dựng nội dung, chương trình, xác định và lựa chọn những vấn đề cần quan tâm, kêu gọi đầu tư, viện trợ. Đồng thời đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các đối tác phát triển, trên cơ sở nhu cầu thực tế, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, viện trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc và miền núi. Trong đó, UBND tỉnh đã quán triệt sâu rộng tầm quan trọng, mục tiêu của công tác tăng cường hợp tác quốc tế. Đó là thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.
Hướng viện trợ vào lĩnh vực, địa bàn ưu tiên
UBND tỉnh Đồng Nai cũng tập trung hướng viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào lĩnh vực, địa bàn ưu tiên của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển KT - XH vùng DTTS trên địa bàn. Kết quả từ năm 2015 đến nay, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, công ty, quỹ hội đã triển khai 105 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài phù hợp với “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS” tại các vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh như: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu với giá trị ký kết trên 6.816.060 USD, tương đương hơn 156 tỷ đồng trong 6 lĩnh vực.
Trong năm 2021, có 4 tổ chức, công ty, quỹ, hội triển khai 5 chương trình dự án gồm: 2 lĩnh vực giáo dục, 2 lĩnh vực an sinh xã hội và 1 lĩnh vực y tế với tổng kinh phí viện trợ 238.163 USD tương đương 5,48 tỷ đồng. Năm 2022, có 1 tổ chức triển khai 2 dự án về lĩnh vực an sinh xã hội với tổng kinh phí viện trợ 17.057 USD tương đương 0,39 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, tỉnh đã tập trung hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ xe lăn cho người tàn tật, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây tặng nhà cho những hộ nghèo, hỗ trợ quạt điện, lắp đặt hệ thống cấp nước sạch vùng đồng bào DTTS. Kết quả có 41 chương trình, dự án đã được triển khai với tổng kinh phí viện trợ 3.089.835 USD tương đương 71 tỷ đồng.
Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ quan tâm chủ yếu xây dựng, nâng cấp phòng học, nhà vệ sinh trường học, lắp đặt thiết bị lọc nước uống cho học sinh, hỗ trợ mua sắm thiết bị trường học, sân chơi tại các trường mầm non, tiểu học, trung học, cấp học bổng, xe đạp, đô dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả có 42 chương trình, dự án đã được triển khai với tổng kinh phí viện trợ 1.974.491 USD tương đương 45,4 tỷ đông.
Đối với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, các dự án tập trung vào việc hỗ trợ nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp trang thiết bị y tế, thuộc, cải thiện, nâng cao chất dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, phòng chống HIV/AIDS, nước sạch hợp vệ sinh. Kết quả có 12 chương trình, dự án đã được triển khai với tổng kinh phí viện trợ 1.287.483 USD tương đương 29,6 tỷ đồng.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển KT- XH vùng dân tộc thiểu số: Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ quan tâm chủ yêu xây dựng chợ, cầu và hỗ trợ vay vốn không hoàn lại cho người khuyết tật, nâng cao vị thế người lao động, lắp đặt pin năng lượng mặt trời trong sản xuất. Kết quả có 6 chương trình, dự án với tổng kinh phí viện trợ 227,334 USD, tương đương 6,23 tỷ đồng.