Vướng mặt bằng tại các trang trại nuôi trồng thủy sản
Được khởi công từ cuối tháng 1.2022, công trình đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là một trong những dự án giao thông trọng điểm, được Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Tuyến đường gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 80km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường và lề gia cố 11m; tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng đi qua 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh Quảng Bình. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 - 2026.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã triển khai thi công đồng loạt các gói thầu của dự án trên phạm vi mặt bằng đã được bàn giao là 70,5/80km (đạt khoảng 88%), hoàn thành cơ bản các hạng mục cầu cống, công trình thoát nước trên tuyến phạm vi đã bàn giao mặt bằng, đang thi công nền đường, móng đường… và dần thành hình dải đường ven biển.
Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý, tiến độ thực hiện dự án đến nay vẫn còn chậm, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vướng mắc nổi cộm nhất hiện là vấn đề bồi thường trang trại nuôi trồng thủy sản. Được biết, tính liên hoàn của tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng, công tác định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá bồi thường của UBND tỉnh.
Trên toàn tuyến có 22 hộ trang trại bị ảnh hưởng với phạm vi tuyến 4,3km. Trong đó, nhiều hộ dân không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi giải phóng mặt bằng mà kiến nghị thêm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; công tác định giá tài sản cũng đang được thực hiện.
Sớm hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng
Bên cạnh đó, về tình hình tái định cư, có 72 hộ bị ảnh hưởng do thực hiện tuyến đường ven biển. Cơ quan chức năng đã bố trí 4 khu tái định cư cho 57 hộ với tổng mức đầu tư là 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình thực hiện công tác tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Tại huyện Lệ Thủy, khu tái định cư tại thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc triển khai thi công đạt 70%; còn khu tái định cư tại thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy chưa được triển khai.
Đặc biệt, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, tiến độ thực hiện tái định cư tại huyện Quảng Trạch diễn ra chậm. Tại một số địa phương khác, phương án tái định cư vẫn đang được xem xét, bố trí.
Bên cạnh vướng mắc do vấn đề bồi thường trang trại nuôi tôm, tái định cư, việc di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời lăng mộ,… cũng là các khó khăn khiến tiến độ đường ven biển tiến triển chậm.
Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình đầu tháng 6.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát Dự án Đường ven biển, cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Qua khảo sát, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đảm bảo sinh kế và phải đảm bảo nơi ở mới của người dân tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp xuống với dân, nhằm hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Với quy mô đầu tư lớn và vị trí địa lý quan trọng, dự án xây dựng hệ thống giao thông ven biển có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Một mặt, tuyến đường sẽ tạo sự liên kết thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung bộ; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặt khác, việc hình thành tuyến đường cũng giúp thu hút đầu tư; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Cùng với Quốc lộ 1A, các tuyến đường tránh và cao tốc Bắc - Nam đang đang được xây dựng, đường ven biển còn góp phần giải quyết ách tắc giao thông.