
Nhà văn, nhà thơ Võ Quảng về làm Tổng biên tập NXB Kim Đồng từ năm 1957, năm được cho là đã diễn ra hai sự kiện đầy ý nghĩa về văn học thiếu nhi. Trước hết là việc thành lập NXB Kim Đồng, nhà xuất bản đầu tiên và đến nay vẫn chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi. Thứ hai, là việc xuất hiện “hiện tượng” Võ Quảng, người đến với văn học thiếu nhi khi đã 37 tuổi – tuy có hơi muộn, nhưng đã đến là ở lại mãi mãi, và cho đến hết đời, chỉ chuyên tâm làm một việc: viết cho thiếu nhi!
Cặp mắt xanh nào đã nhìn ra ở Võ Quảng, người cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, một nhà văn, nhà thơ đích thực cho thiếu nhi trong tương lai! Nói “tương lai” là vì bấy giờ ông mới có tập sách mỏng, đầu tay – tập thơ Gà mái hoa, chưa thể để nói gì về hiện tại. Cũng sự nhạy cảm của vị cán bộ tổ chức nào đã quyết định điều động ông, nguyên cán bộ tư pháp, rồi cán bộ văn hóa đối ngoại, sang NXB Kim Đồng mới được thành lập, để đảm đương trọng trách Tổng biên tập – một cương vị đòi hỏi không chỉ sự tin cậy về phẩm chất chính trị mà trước nhất, một uy tín chuyên môn, nghề nghiệp cao. Dẫu sao, Võ Quảng đã được điều về NXB Kim Đồng ngay hôm thành lập, để làm Tổng biên tập kể từ khi ấy. Một sự may mắn cho cả đôi bên – NXB Kim Đồng có được một người làm nghề tâm huyết, và Võ Quảng có được một môi trường – không nghi ngờ gì nữa – phù hợp nhất với những khả năng còn tiềm ẩn nơi ông!
Song thời kỳ Võ Quảng về NXB Kim Đồng cũng là thời kỳ đầy những biến động của xã hội nói chung, NXB Kim Đồng nói riêng. Sau những hăm hở ban đầu của một nhà xuất bản mới thành lập, sau những loạt sách đầu tiên in ra được dư luận hoan nghênh (như hồi ký của nhà văn Thy Ngọc đã kể với chúng ta)…, nhiều thay đổi đã diễn ra với NXB Kim Đồng: Nhà văn, Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng chỉ sau khoảng nửa năm công tác đã phải chia tay cơ quan để tham gia các lớp học tập chính trị và sau đó đi thực tế lao động ở Điện Biên. Ông Hồ Thiện Ngôn, một trong những người đặc biệt có công trong việc xúc tiến thành lập nhà xuất bản, cũng chuyển công tác đi một công trường ở Hòa Bình… Rồi ngay cả NXB Kim Đồng chỉ ít năm sau khi thành lập cũng được sáp nhập vào NXB Thanh Niên (và chung tên luôn!) Võ Quảng trở thành người phụ trách mảng sách thiếu nhi trong kế hoạch hàng năm của NXB Thanh Niên, để rồi đến năm 1964 ông được chuyển công tác sang Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam…
Một loạt thay đổi về môi trường cũng như của bản thân khiến cho người ta khó có thể chuyên tâm một việc gì. Thế nhưng con người sáng tác ở Võ Quảng đã khởi động, và chỉ đi một đường ray – viết cho thiếu nhi! Từ Gà mái hoa đến Măng tre (thơ); từ Cái thăng đến Quê nội rồi Tảng sáng (truyện); từ Ngày tết của Trâu Xe (đồng thoại) đến Sơn Tinh Thủy Tinh và Những chiếc áo ấm (kịch bản phim)… Đó chắc chắn không phải là quá trình sáng tác suôn sẻ, dễ dàng gì, mà là những cuộc vật lộn trên từng trang sách, từng câu thơ, để chúng ta có một Võ Quảng suốt từ tuổi 37 đến ngoài bát tuần vẫn ra sách đều đều, vài ba năm một cuốn. Và tất cả đều là cho thiếu nhi, xin được nhắc lại!
Tại sao Võ Quảng lại làm được những điều đó, với tất cả sự trớ trêu của hoàn cảnh và nhân thân? Câu trả lời, đương nhiên, trước hết là ở nỗ lực cá nhân của ông. Một khi tài năng được đánh thức, thiên chức được phát hiện, khó gì có thể ngăn cản một người yêu văn học, yêu con trẻ như ông hiến dâng tất cả tâm sức và bút lực cho các em. Nhiều người cũng nói đến khả năng nắm bắt tâm lý trẻ em của ông, vốn liếng Tây học của ông từ buổi thiếu thời để có được một phông nền giúp ông dễ dàng tiếp thu các nguyên lý của sáng tác văn học… – những yếu tố ít nhiều mang tính chuyên môn, học thuật. Song theo tôi, còn có một yếu tố khác quan thiết hơn, đó là NXB Kim Đồng - nơi ông đến nhậm chức Tổng biên tập năm 1957!
Điểm lại lịch sử những ngày đầu của NXB Kim Đồng, nhiều cán bộ về công tác nơi đây đã trở thành người sáng tác cho các em, từ nhà văn đàn anh, Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng đến các cây bút trẻ như Phạm Hổ, Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh; từ người làm công tác biên tập như Thy Ngọc, Hoàng Nguyên Cát, Vũ Ngọc Bình đến cán bộ chính trị như Hồ Thiện Ngôn… Rõ ràng, NXB Kim Đồng không chỉ là “bà đỡ” mát tay cho nền văn học thiếu nhi non trẻ, mà thực sự còn là môi trường sinh thành cho những khát khao đóng góp với sự nghiệp chung, của chính “người nhà”.