VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Trịnh Tông... tình cờ mà sinh ra

Trịnh Tông cũng tức là Trịnh Khải, con của chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), thân mẫu là bà Thái Phi Dương Thị Ngọc Hoan, người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, nay thuộc Hà Tĩnh. Trịnh Tông từng có 4 năm làm chúa (1782 - 1786) nhưng, ít ai ngờ rằng, Trịnh Tông chỉ được sinh ra như một sự tình cờ. Sách HOÀNG LÊ NHấT THỐNG CHÍ (hồi thứ nhất) chép:

“Thái Phi(1) có người chị được tuyển làm cung tần của ân Vương(2), sinh hạ ra Thụy Quận Công, vì thế, được ân Vương hết sức yêu quý. Nhờ chị, Thái Phi được tuyển làm cung tần của Thịnh Vương(3). Tiếng là được tuyển nhưng ngày cũng như đêm, bà luôn phải sống trong cô quạnh. Bỗng có một hôm, bà nằm mơ thấy thần nhân đến tặng cho bà một tấm đoạn, trên vẽ hình đầu rồng. Bà không hiểu đó là điềm gì, bèn hỏi hoạn quan Khê Trung Hầu. Khê Trung Hầu cho đó là điềm sinh ra thánh tử. Hôm sau, chúa sai Khê Trung Hầu gọi cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê Trung Hầu giả vờ nghe lầm, đưa bà Thái Phi Ngọc Hoan đến. Thấy bà, chúa có vẻ không thích, nhưng vì lỡ gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau, chúa triệu Khê Trung Hầu đến trách mắng. Khê Trung Hầu cúi đầu tạ tội rồi nhân đó thuật lại đầu đuôi giấc mơ của Thái Phi cho chúa nghe. Chúa im lặng, không nói gì cả. Về phần Thái Phi, trải một trận mưa móc, liền có thai và sau đó, sinh hạ được một người con trai. Đó là năm Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ hai mươi bốn(4).

Trịnh Sâm cho rằng, tuy đầu rồng là biểu hiện của khí tượng làm Hoàng Đế, nhưng đó là rồng vẽ, không phải rồng thật, mà ngay cả rồng vẽ cũng chỉ có đầu chớ không có đuôi, cho nên chưa hẳn đã là điềm tốt hoàn toàn. Chúa lại còn nghĩ, người làng Long Phúc trước kia từng sinh hạ ra Trịnh Cối(5) và Trịnh Lệ(6), từng nuôi chí phản nghịch mà không thành(7). Càng nghĩ chúa Trịnh Sâm càng không vui, vì thế, khi các quan văn võ đến chúc mừng, chúa lấy cớ rằng, đó không phải là con của Chính Phi sinh hạ, cho nên không nhận lễ của ai. Đến khi Trịnh Tông lớn lên, dung mạo rất khôi ngô nhưng chúa vẫn không yêu chiều gì. Trịnh Tông chỉ ham võ nghệ, không thích văn chương. Năm Trịnh Tông lên bảy tuổi, chúa sai Tiến sỹ khoa Canh Thìn là Nguyễn Khản(8) làm Tả Tư Giảng và Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu(9) là Trần Thản lo việc giảng học cho Trịnh Tông. Nhưng, chưa được bao lâu thì Trần Thản qua đời, còn Nguyễn Khản thì vì chúa tin dùng, phải kiêm coi mọi việc trong ngoài, cho nên không mấy khi đến giảng học. Việc ấy chỉ ủy thác cho năm sáu viên Tùy Giảng. Trịnh Tông nhân đó giữ thói ham thích cũ, chúa biết được, càng không bằng lòng. Theo lễ, con trai của chúa, nếu như sau này muốn được lên nối nghiệp, thì từ năm mười hai tuổi, phải ra ở Đông Cung. Các quan có bàn đến nhưng chúa không ưng, bắt Trịnh Tông ra ở tại nhà riêng của quan A Bảo là Hân Quận Công(10). Ngôi Đông Cung vẫn cứ để trống. Đến năm Trịnh Tông mươi lăm tuổi thì Vương Tử Cán ra đời và chúa chỉ biết ưu ái Vương Tử Cán. Năm Trịnh Tông 18 tuổi, cũng theo lễ, đã đáng được mở phủ đệ riêng, nhưng các quan chẳng ai dám tâu bày mà chúa cũng chẳng hề nhắc gì tới. Bởi ngôi kế nghiệp chưa định nên lòng người phân tán. Ai thuộc phe đảng của Đặng Thị Huệ thì về hùa với Đặng Thị Huệ để tôn Vương Tử Cán, ai thuộc phe đảng của Trịnh Tông thì về hùa với Trịnh Tông. Phủ chúa dần dần bị phân chia chia thành “phe này cánh nọ”.

Lời bàn: Thời Trịnh Sâm là thời… trai làm nên, năm thê bảy thiếp. Mới có… làm nên mà đã năm thê bảy thiếp, huống nữa là làm chúa như Trịnh Sâm. Cho nên, phủ chúa đông phi tần thì cũng chẳng có gì là lạ, kể cả những người bất hạnh bị chúa hững hờ như bà Dương Thị Ngọc Hoan cũng phải coi là sự thường. Đông quá mà!

Xem chuyện mới hay, chúa chẳng hề chịu chút trách nhiệm nào về việc làm của mình. Chúa vui chơi như là… chúa, để rồi khiến cho Trịnh Tông như thể… tình cờ mà được sinh ra. Trong mọi sự tình cờ, đây chính là sự tình cờ nguy hiểm nhất.

Chỉ cần chín tháng mười ngày là đã có thể tạo ra được một con người, nhưng, công phu uốn nắn hàng chục năm trời vẫn chưa dễ tạo ra được một nhân cách tốt đẹp. Trịnh Tông tình cờ được sinh ra, tình cờ lớn lên, tình cờ làm tất cả mọi việc tốt xấu, càng về sau càng rõ. Trịnh Tông là người mà sao thật xa lạ với người. Khiếp thay!

Cha là Trịnh Doanh thì lấy chị, con là Trịnh Sâm thì lấy em, họ Trịnh vô luân, gia giáo băng hoại, đòi họ giáo dục con nên người nào có khác gì đòi mặt trời mọc vào ban đêm. Trách Trịnh Tông lêu lổng cũng chẳng được, bởi vì, đã là người tình cờ được sinh ra lại còn bị ghét bỏ, thì hẳn nhiên là Trịnh Tông sẽ được mặc sức sống theo bản năng thôi. Trách các quan chia bè kết cánh cũng chẳng được, bởi vì chúa không sớm quyết thì họ đành phải sớm tỏ ý tôn lập của mình, để mai sau còn mong được hưởng ơn riêng của chúa kế nghiệp chứ.

Khi sống, người ta thường dễ nghĩ là mình khôn, chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay, hậu thế mới có thể chỉ rõ rằng ai là khôn và ai là dại. Trịnh Tông tình cờ được sinh ra, nhưng bài học đau xót về sự ra đời của Trịnh Tông, xin chớ để tình cờ biết được rồi tình cờ lãng quên.

________________________________________

1. Chỉ bà Dương Thị Ngọc Hoan
2. Tức chúa Trịnh Doanh, thân sinh của chúa Trịnh Sâm
3. Tức chúa Trịnh Sâm
4. Tức năm 1763
5. Con của Trịnh Kiểm
6. Cũng đọc là Trịnh Đệ, con của Trịnh Doanh, em Trịnh Sâm
7. Chỗ này nguyên bản nhầm. Trịnh Cối bị Trịnh Tùng cướp ngôi vị chớ không phải Trịnh Cối cướp ngôi vị của ai.
8. Khoa thi năm 1760.
9. Khoa thi năm 1769.
10. Tức Nguyễn Đĩnh.

Văn hóa

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.

Cuộc thi vẽ tranh “Thế giới quanh tôi”: Chắp cánh tài năng trẻ và người khuyết tật
Văn hóa - Thể thao

Cuộc thi vẽ tranh “Thế giới quanh tôi”: Chắp cánh tài năng trẻ và người khuyết tật

Từ ngày 22.4 - 2.5, tại sảnh chính của Khách sạn Pan Pacific Hà Nội, số 1 đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội, trưng bày các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi vẽ tranh “Thế giới quanh tôi”, truyền cảm hứng cho tài năng trẻ và người khuyết tật dám ước mơ và theo đuổi đam mê hội họa.