Đông - Tây: tại sao suy thoái tiếp sau suy thoái?*

- Thứ Tư, 03/08/2022, 05:47 - Bản đầy đủ

Mặc dù vẫn chưa được tuyên bố chính thức, nhưng phần lớn thế giới, Đông và Tây - Trung Quốc và Mỹ đều đang trong thời kỳ suy thoái. Do tính chất bất thường của trường hợp ngày nay, chúng ta hãy gọi nó là recflation (tái suy thoái).

Ở Mỹ, suy thoái truyền thống được định nghĩa là hai quý liên tiếp, tức là một khoảng thời gian kéo dài 6 tháng trong đó toàn bộ nền kinh tế co lại: GDP âm. GDP của Mỹ đã giảm trong ba tháng đầu năm 2022 và mới đây, các nhà thống kê của chính phủ Mỹ đã phải thông báo, ba tháng tiếp theo, kết thúc vào ngày 30.6, cũng là khoảng thời gian tăng trưởng âm.

Nguồn: kafkadesk

Ở Trung Quốc, quán tính tích cực lớn được tạo ra trong hơn 30 năm qua khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dao động trong khoảng 6% đến 9%/năm, đã thúc đẩy nền kinh tế tiến lên như thể một tàu sân bay vĩ đại đang lao qua một vùng biển lặng sóng. Ngay cả khi các động cơ được đặt ngược lại, lực đẩy lớn của chuyển động trong quá khứ sẽ giữ nó tiếp tục đi về phía trước.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 0,04%, mức tồi tệ nhất cho thấy trong hai năm khó khăn của Covid-19. Bất chấp tin xấu này, tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc trong năm nay là 5,5%.

Ngân hàng Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào cuối năm 2022 sẽ vào khoảng 4,3%. Để đạt được mục tiêu đó, Bloomberg của Mỹ dự đoán thuế kinh doanh sẽ được cắt giảm (trái ngược với kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp của Mỹ). Sự tương phản trong các chiến lược giúp Trung Quốc dễ dàng chống lại bất kỳ sự suy giảm nào tiếp theo.

Chênh lệch giữa tiền lương và giá cả: vòng luẩn quẩn

Một chuỗi nhân quả được chia sẻ giữa Đông và Tây; mối liên quan giữa lạm phát và hậu quả của suy thoái diễn ra như sau: Lạm phát cao làm thay đổi tỷ lệ giá quan trọng. Một trong những tỷ lệ như vậy là sự chênh lệch giữa tiền lương và giá cả đối với hàng hóa tiêu dùng.

Hiện tiền lương ở Mỹ đang tăng khoảng 5% một năm, nhưng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang tăng hơn 9% một năm. Kết quả là các gia đình trung lưu Mỹ đang mất sức mua khoảng 5.000 USD một năm. Để thích nghi với khó khăn mới, các gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, mua sắm ít hơn, và khi họ mua đồ, những thứ đã mua sẽ nằm sâu hơn trong “chuỗi thực phẩm”.

Kéo theo đó là những hàng hóa không còn nhu cầu (vì giá của chúng đã tăng quá nhiều) vẫn nằm trên các kệ hàng: Tồn kho cho một số mặt hàng không được ưa chuộng chất thành đống.

Người bán hàng hóa đó giảm giá tính cho khách hàng để duy trì dòng tiền của họ, vì dòng tiền cần được xoay vòng để họ trả lương cho công nhân và bổ sung hàng hóa đang bán chạy, mặc dù hàng hóa đó ít sinh lời hơn. Chúng là hàng hóa “thị trường giá rẻ” mà người tiêu dùng tìm kiếm hiện nay khi sức mua của họ đã giảm bớt. Người bán sẽ định giá hàng hóa đó ở mức giá hời để duy trì dòng tiền trong khi tính đến việc tìm kiếm món hời đang diễn ra giữa người tiêu dùng. 

Giá cả bắt đầu giảm từ mức cao lạm phát trước đó, nhưng theo một cách không lành mạnh. Người bán trung gian đôi khi giảm giá thấp đến mức khi các nhà sản xuất cuối cùng của dòng sản phẩm phải bán cho người trung gian với giá thấp đến mức họ không thể bù đắp chi phí, đặc biệt là do lạm phát trước đây đã làm tăng chi phí đầu vào cho quá trình sản xuất.

Ví dụ, giá của các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng với tốc độ 9 - 10% hàng năm, trong khi giá nội địa đối với hàng hóa được sản xuất bởi các nguyên liệu đầu vào này đang tăng với tốc độ 2 - 3%, đồng thời với các thị trường xuất khẩu trong đó rất nhiều hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang bị siết chặt bởi các hành động chính trị từ phía các chính phủ phương Tây kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu nói chung ở trên.

Nói cách khác, người tiêu dùng phương Tây “chuyển xuống chuỗi thực phẩm” và mua hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn so với trước đây. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách điều chỉnh tỷ giá hối đoái (từ 6,3 NDT so với 1 USD vào tháng 3 lên 6,7 hiện tại).

Nhưng một động thái như vậy gây áp lực gấp đôi lên các nhà sản xuất Trung Quốc, những người hiện phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn và doanh thu giảm. Cách rõ ràng nhất để các nhà sản xuất Trung Quốc này duy trì lợi nhuận là giảm tiền lương thực trả cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trong quá trình sản xuất, hoặc có thể sa thải một số công nhân để duy trì thặng dư cần thiết trong dòng tiền cần thiết để duy trì sản xuất.

Chúng ta có lạm phát

Tại thời điểm này, các nhà sản xuất cần vốn lưu động tìm đến hệ thống ngân hàng hoặc các khả năng tài trợ chung đang mở ra cho họ. Tuy nhiên, các ngân hàng buộc phải tính lãi suất cao hơn do lãi suất ngân hàng trung ương tăng.

Ngoài ra, thị trường tín dụng nói chung, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và các nguồn vốn lưu động hàng ngày khác đang có xu hướng thắt chặt tín dụng, vì theo quan điểm của họ, áp lực lên dòng tiền của người đi vay khiến họ gặp rủi ro xấu, tuy nhiên, họ có thể cần tín dụng để trả cho các nguyên liệu đầu vào giá cao và trang trải hóa đơn tiền lương của họ.

Tất cả tạo nên một thế giới mà người lao động đang mất việc làm, được trả lương thấp hơn trong điều kiện thực tế; nơi các doanh nghiệp không còn có uy tín và nơi các chủ ngân hàng buộc phải cho các công ty ngày càng làm ăn thua lỗ và các chính phủ bị dụ dỗ ném nhiều tiền giấy hơn nữa tham gia vào một hệ thống đã được đặt vào tình trạng “suy thoái nối tiếp suy thoái”, chính xác là xoắn ốc đi xuống vì quá nhiều tiền giấy đã được bơm vào khi bắt đầu quá trình.

Nói cách khác, chúng ta có lạm phát.

Mối liên hệ lạm phát/suy thoái được mô tả cho đến nay đặc biệt liên quan đến những nơi như Trung Quốc và Canada, nơi doanh số xuất khẩu, dòng tiền và nhập khẩu rất quan trọng để duy trì con số GDP. Đối với một quốc gia như Mỹ, một số mặt hàng nhập khẩu là rất quan trọng và chúng phải được duy trì và thanh toán bằng cách này hay cách khác. Ví dụ như dầu mỏ và các dạng năng lượng khác (người Mỹ mua rất nhiều điện từ Canada); Hóa chất và nguyên liệu thô từ Trung Quốc cần thiết trong pin cho xe điện được trợ cấp về mặt chính trị. Trung Quốc cũng cung cấp các thiết bị điện tử thiết yếu, các sản phẩm y tế và thuốc, cùng với vô số hàng tiêu dùng cho Mỹ.

Đường xoắn ốc đi xuống

Vấn đề là, Mỹ không xuất khẩu đủ sản phẩm để kiếm được số tiền cần thiết để trả cho những mặt hàng nhập khẩu này. Do đó, người Mỹ vay những khoản tiền cần thiết này, và họ cũng vay những khoản tiền khổng lồ cần thiết để duy trì các chương trình cứu trợ, hệ thống phúc lợi ngày càng mở rộng của họ, và gần đây nhất là khoản chi tiêu khổng lồ vào cuộc chiến với Covid-19 khiến nợ chính phủ của họ chồng chất, lên tới 100% GDP/năm.

Khi tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, chương trình chi tiêu nội địa khổng lồ được đề xuất để bù đắp suy thoái kinh tế phải cạnh tranh với nghĩa vụ thanh toán lãi suất trái phiếu, khiến lãi suất tăng lên để có “cú hích thứ hai” (ngoài những gì ngân hàng trung ương đã làm) để tính đến rủi ro gia tăng được nhận thức rằng một cái gì đó sẽ gây ra tỷ lệ lạm phát thậm chí còn lớn hơn, để buộc chính phủ Hoa Kỳ phải trả nghĩa vụ lãi suất của mình bằng một liều đô la giấy đã được cắt nhỏ khác. Xoắn ốc đi xuống quay sâu hơn bao giờ hết.

Liệu có một chiến lược chính sách nào có khả năng ngăn chặn câu chuyện nghiệt ngã này? Có thể. Nhưng những khác biệt của hệ tư tưởng và những yếu tố chính trị đang cản trở mọi giải pháp.

Tại Mỹ, “chủ nghĩa xanh” một cách hơi cực đoan đã buộc Tổng thống Joe Biden phải gây chiến với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, tạo ra sự khan hiếm năng lượng giả tạo. Một biến thể khác của “chủ nghĩa xanh” khiến người Mỹ sợ hãi một cách phi lý trí về năng lượng nguyên tử. Vì năng lượng là trung tâm của hầu hết mọi hoạt động kinh tế, nên sự khan hiếm của nó đã làm tăng nhiều mức giá và giảm mức sản lượng: lạm phát nhiều hơn và suy thoái nhiều hơn.

Ở Trung Quốc, những ý tưởng của Đặng Tiểu Bình về một nền kinh tế hỗn hợp đang bị thay đổi bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, người thích tuân thủ chặt chẽ hơn chủ nghĩa chính thống.

Ở cả hai quốc gia, cũng như phần lớn phần còn lại của thế giới, tâm lý “đóng cửa” đã tạo tiền đề cho sự khan hiếm giả tạo do con người tạo ra. Sự thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng một khi bắt đầu, sẽ đi xuống theo chiều xoắn ốc, được thúc đẩy bởi tác động domino của tất cả cộng lại.

Vấn đề là rất khó để loại bỏ tất cả những yếu tố mang tính tâm lý và tư tưởng này trong một sớm một chiều. 

________

*Bài phân tích của nhà kinh tế học người Mỹ Tom Velk đăng trên Asia Times. Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại Hội đồng Thống đốc của hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, tại Quốc hội Hoa Kỳ và là Chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu Bắc Mỹ tại Đại học McGill và là giáo sư Khoa Kinh tế của trường đại học đó. 

QUỐC ĐẠT dịch

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP