Cộng đồng quốc tế hướng tới Hội nghị về tài nguyên nước

- Thứ Ba, 21/03/2023, 10:42 - Bản đầy đủ

Hội nghị về tài nguyên nước quốc tế hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Tài nguyên nước vì phát triển bền vững” (2018-2028) sẽ diễn ra từ ngày 22-24.3, tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

Ngày 22.3 được chọn là ngày khai mạc hội nghị, cũng là ngày Nước thế giới, được Đại hội đồng LHQ quyết định từ năm 1993 nhằm kỷ niệm ngày nước hàng năm trên toàn cầu.

Thập kỷ hành động

Nước tối cần thiết cho sinh hoạt của con người, sản xuất lương thực và năng lượng, đảm bảo hệ sinh thái lành mạnh, thích ứng với khí hậu, xóa đói giảm nghèo… Vậy nhưng nhiều thập kỷ qua, hàng loạt các vấn đề như nhận thức chưa đầy đủ, công tác quản lý yếu kém, sử dụng nước sai mục đích, khai thác nước ngầm quá mức và ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngọt… đã làm gia tăng căng thẳng về nước và suy thoái các hệ sinh thái liên quan đến nước. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người cũng như sự phát triển bền vững của nhân loại. Vì vậy, hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ, duy trì nguồn tài nguyên nước là cần thiết để đảm bảo phân phối nước bền vững và công bằng cho nhu cầu của người dân.

Trên cơ sở đó, Đại hội đồng LHQ khóa 73, trong nghị quyết số 73/226, tháng 12.2018, đã quyết định tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Tài nguyên nước vì phát triển bền vững” (2018-2028) của LHQ từ ngày 22 đến ngày 24.3 tại New York, Mỹ.

Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung phát triển bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước để đạt được các mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường, thực hiện và thúc đẩy các chương trình và dự án liên quan, cũng như thúc đẩy hợp tác và đối tác ở tất cả các cấp độ. Kết quả của Hội nghị sẽ là một báo cáo tóm tắt trình Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) được tổ chức vào tháng 7 năm nay.

Tiếp đó, trong nghị quyết số 75/212, tháng 12.2020, Đại hội đồng khóa 75 đã bổ sung và nêu rõ Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia rộng rãi của tất cả các bên liên quan, từ hệ thống LHQ, các chính phủ, tổ chức liên chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế, cộng đồng khoa học, khu vực tư nhân, tổ chức từ thiện… để đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan, hỗ trợ hành động tiếp theo để thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ và các mục tiêu và chỉ tiêu liên quan đến tài nguyên nước.

Như vậy, Hội nghị về tài nguyên nước vào ngày 22-24.3 tới sẽ là một sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, thể hiện nỗ lực của LHQ, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh trong việc ứng phó với một trong những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt.

Đông Nam Á với vấn đề tài nguyên nước

Đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước cũng đã được đặt ra nhiều năm nay. Theo các nghiên cứu, Khu vực Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng (GMS), khái niệm chỉ khu vực địa lý gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, đang rơi vào tình trạng căng thẳng trầm trọng về nguồn nước trong những năm qua.

Căn cứ vào thang đo mức độ an ninh nguồn nước của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, năm 2016), an ninh nguồn nước của năm quốc gia GMS, ngoại trừ Trung Quốc, đều nằm trong ngưỡng trung bình. Bên cạnh đó, các quốc gia GMS còn phải gồng mình trước nhiều thách thức như áp lực dân số, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu, khác biệt trong lợi ích quốc gia…, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước của mỗi quốc gia cũng như của khu vực. Chẳng hạn, vấn đề nước hiện là vấn đề lớn đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây.

Tuy nhiên, theo tính toán, lượng nước sông Me Kong từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011, cùng với đó lượng phù sa năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017. Tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại đến khoảng 509.804 ha diện tích cây trồng, 486 nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt; 1.509.528ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì nhiêu…

Một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với vấn đề tài nguyên nước nhiều năm qua là Singapore. Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Mỹ từng xếp Singapore vào danh sách các nước đối mặt với nạn khan hiếm nước hàng đầu thế giới vào năm 2040 cùng với các quốc gia Trung Đông khác.

Nguồn nước ngọt hiện nay ở Singapore đến từ bốn nguồn chủ yếu là nước tự nhiên sau những trận mưa bão, nước mua từ Malaysia, nước tái chế và nước biển khử mặn. Theo ước tính của các chuyên gia, hơn 55% nước sử dụng ở Singapore là nước chưa qua xử lý nhập từ Malaysia. Khan hiếm nước khiến cho Singapore quý trọng từng giọt nước, đưa ra khẩu hiệu "Nước là tương lai của chúng ta" nhằm nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước.

Có thể nói, vấn đề bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên nước là một trong những vấn đề toàn cầu nổi cộm hiện nay. LHQ và mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia phải đối mặt với vấn đề nước, cần ý thức rõ về vấn đề này và cùng nỗ lực, chung tay đối phó nhằm đảo bảo cho cuộc sống và sự phát triển bền vững của nhân loại cũng như của chính quốc gia và người dân mình.

Ngọc Hùng

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP