Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Á

Cách tiếp cận tăng tốc của EU

- Thứ Năm, 01/06/2023, 07:14 - Bản đầy đủ

Văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Trung Á sẽ diễn ra vào 2.6 tới tại thành phố Cholpon-Ata, Kyrgyzstan nhằm tăng cường liên kết. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua giữa Liên minh châu Âu và Trung Á sau lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10.2022 tại Kazakhstan.

Trung tâm của nhiều vận động ngoại giao quốc tế

Hội nghị Thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Joomart Tokayev, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Phó Chủ tịch Nội các Turkmenistan Nurmuhammet Amannepesov và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Theo người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Phủ Tổng thống Kyrgyzstan - ông Muratbek Azymbakiyev, sự kiện này là dịp trao đổi, thảo luận về “hiện trạng, triển vọng hợp tác chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo giữa hai khu vực”. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của AFP, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, "mục tiêu chính của cuộc họp thượng đỉnh là để tăng cường các quan hệ song phương’’. Trước đây, trong cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Á năm ngoái, ông Michel từng gọi đây là “biểu tượng mạnh mẽ cho hợp tác EU - Trung Á và là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của EU đối với khu vực”. Thực tế, mối quan hệ giữa hai bên là quá trình "động" và đang phát triển. Qua các năm, EU điều chỉnh cách tiếp cận của mình để phản ánh những nhu cầu và ưu tiên thay đổi đối với các quốc gia Trung Á.

Phong cảnh ở Jeti-Oguz, Kyrgyzstan. Nguồn: ITN

Theo giới quan sát, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU dành sự quan tâm ngày càng lớn đối với các quốc gia Trung Á nhằm vận động và lôi kéo các nước này ra khỏi vùng ảnh hưởng của Nga; vì trên thực tế, cho dù ảnh hưởng suy giảm, Nga vẫn tiếp tục là quốc gia có vị thế tại khu vực. EU hoài nghi các nước Trung Á đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây dù họ luôn phủ nhận. Hơn nữa, châu Âu cũng sốt ruột khi thấy Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở đây, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran ngày càng tích cực thúc đẩy quan hệ và chính sách ngoại giao với Trung Á. Ở chiều ngược lại, đối đầu Đông - Tây đang gia tăng cơ hội cho các nước khu vực Trung Á nâng cao vị thế quốc tế, thu hút các nguồn đầu tư mới và tăng cường hợp tác an ninh từ các đối tác mới.

Cuộc họp cuối tuần này được tổ chức chỉ hai tuần sau hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa lãnh đạo 5 nước Trung Á và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tây An, Trung Quốc. Mục tiêu của đất nước gấu trúc muốn đặt khu vực này vào trung tâm của “Con đường tơ lụa mới”, một dự án hạ tầng cơ sở và kinh tế có quy mô đồ sộ. Thực tế, Trung Á đang trở thành tâm điểm của nhiều vận động ngoại giao quốc tế. Ngoài giới lãnh đạo châu Âu, Trung Quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thăm Trung Á trong những tháng gần đây.

Trung Á là khu vực gồm 5 quốc gia: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Họ trở thành các quốc gia độc lập sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Đây còn được biết đến là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng như đóng vai trò trung tâm trung chuyển, cầu nối thương mại giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn bất ổn với một số đụng độ nội bộ về biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan tháng 9.2022 hay biến động chính trị tại Kazakhstan đầu năm 2023. Bản thân nước láng giềng Afghanistan của họ, dưới sự kiểm soát của Taliban, cũng là nguồn bất ổn.

Động lực thắt chặt quan hệ

EU và Trung Á có mối quan hệ phức tạp và đang trên đà phát triển. Liên minh lá cờ xanh thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 quốc gia Trung Á mới độc lập lúc bấy giờ vào năm 1992, nhưng có rất ít tiến triển cho đến năm 2001, khi sự can thiệp của quốc tế vào Afghanistan mang lại động lực mới cho mối quan hệ EU - Trung Á.

Vào đầu những năm 2000, quan điểm của EU là tăng cường liên kết với các quốc gia láng giềng phía Bắc của Kabul sẽ hỗ trợ phát triển ở Afghanistan, trong khi khối có thể giúp các chính phủ Trung Á giải quyết mối đe dọa an ninh từ bên kia biên giới, chẳng hạn như ma túy và tội phạm, có nguy cơ lan rộng xa hơn. Bên cạnh đó, sự giàu có về khoáng sản, trữ lượng khí đốt và dầu mỏ, cũng như trữ lượng vàng, uranium hay kim loại hiếm cũng khiến khu vực này trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.

Sự tương tác giữa EU và Trung Á chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực. Nền móng quan hệ giữa châu Âu và Trung Á đầu tiên dựa trên chiến lược được EU thông qua vào năm 2007, được gọi là “EU và Trung Á: chiến lược cho đối tác mới”, tập trung chủ yếu vào hợp tác năng lượng. Sau đó, năm 2019, chiến lược mới về Trung Á mang tên “Cơ hội mới cho quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn” tiếp tục được EU bật đèn xanh, nhắm chính vào 3 chuỗi ưu tiên là thúc đẩy khả năng phục hồi, thịnh vượng và hợp tác khu vực ở Trung Á. Các vấn đề môi trường được đưa lên trong số các ưu tiên. Từ năm 2014 đến năm 2020, nguồn tài trợ theo Công cụ Hợp tác phát triển của EU lên tới 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) dưới dạng tài trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ ngân sách trực tiếp. (EU là một trong số ít các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ như vậy.)

Ngoài ra, EU còn cam kết hỗ trợ các quốc gia Trung Á thực hiện cải cách, tăng cường dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và sự độc lập của tư pháp cũng như hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, EU phân bổ nguồn lực của mình cho một loạt các ưu tiên quá rộng và tiếp cận Trung Á như một khu vực đơn lẻ chứ không phải là các quốc gia riêng biệt với các nhu cầu khác nhau.

Một trong những lợi ích chính của EU ở Trung Á là vai trò kép của khu vực, vừa là nguồn năng lượng, vừa là tuyến đường trung chuyển cho thương mại Đông - Tây. Trung Á sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng, đặc biệt là dầu, khí và khoáng sản, và EU quan tâm đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng năng lượng đã được phát triển để tạo điều kiện vận chuyển tài nguyên năng lượng từ Trung Á đến châu Âu, chẳng hạn như Hành lang khí đốt phía Nam và đường ống khí đốt Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI).

EU cũng muốn đầu tư nhiều nguồn lực để biến Hành lang Giữa (Middle Corridor), tuyến thương mại từ Trung Quốc qua Trung Á, vùng Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu thành tuyến đường khả thi, nhất là trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra. Thực sự, hợp tác thương mại và kinh tế là những khía cạnh quan trọng của quan hệ EU - Trung Á. EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng trong khu vực. Sự tương tác của EU nhằm thúc đẩy các cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao quan hệ thương mại giữa hai bên. EU cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục và quản lý công cộng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Thực tế, Trung Á đang ngày càng thịnh vượng, không chỉ phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà theo dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhanh. Theo Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), GDP ở Trung Á nói chung dự kiến sẽ tăng 4,9% vào năm 2023.

Một lĩnh vực hợp tác đáng kể khác là an ninh. EU làm việc chặt chẽ với các nước Trung Á để giải quyết các thách thức an ninh chung, bao gồm chống khủng bố, ma túy, tội phạm tổ chức và quản lý biên giới. Hợp tác trong các lĩnh vực này nhằm nâng cao ổn định khu vực và đóng góp vào nỗ lực an ninh toàn cầu. Ngoài ra, EU còn tương tác với Trung Á qua nhiều nền tảng đa phương khác nhau. EU là thành viên của Quỹ quốc tế về bảo tồn Biển Aral (IFAS) và hỗ trợ các sáng kiến khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý nước trong khu vực. Biển Aral nằm giữa biên giới Uzbekistan và Kazakhstan. Chưa hết, EU cũng tham gia vào chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (CAREC), nhằm thúc đẩy tích hợp kinh tế và kết nối trong Trung Á…

Linh Anh

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP