Thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Vào những năm 90,nhằm thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển đất nước, Chính phủ đã xác định: cần phải bổ sung đội ngũ nhân lực khoa học kỹ thuật và công nghệ có trình độ cao và một trong những giải pháp căn bản là đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học kỹ thuật và công nghệ tại bậc học phổ thông, các trường cao đẳng và trung cấp nghề. Với chủ trương như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đãquyết địnhthành lập các đơn vị đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên sư phạm kỹ thuật.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ 24, xác định phương hướng phát triển trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sư phạm.
Chính vì vậy, đầunăm 1997, Ban Sư phạm Kỹ thuật đã được thành lập do Hiệu trưởng Hoàng Văn Phong (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ của Ban Sư phạm Kỹ thuật là nghiên cứu các tiền đề chuẩn bị cho việc thành lập Khoa Sư phạm Kỹ thuật.
Ngày 02.8.1997, Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức được thành lập. Những ngày đầu, Khoa chia làm hai bộ môn bao gồm Khoa học & Công nghệ, Giáo dục và Sư phạm các ngành Kỹ thuật, được xây dựng và dẫn dắt bởi một đội ngũ cán bộ giỏi năng lực chuyên môn, giàu kinh nghiệm sư phạm như PGS. Nguyễn Hoa Toàn, PGS. Nguyễn Trọng Bình, PGS. Lương Duyên Bình, GS.TSKH, NGND Nguyễn Xuân Lạc…
Đào tạo hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Sư phạm kỹ thuật
Một phần tư thế kỷ trôi qua, gần 1.000 cử nhân Sư phạm kỹ thuật (chuyên ngành cơ khí, điện, điện tử và công nghệ thông tin), gần 600 thạc sĩ, và 14 tiến sĩ ngành Phương pháp và Lý luận dạy học tốt nghiệp đã và đang đảm nhiệm các vị trí công việc như: giáo viên, giảng viên công tác tại các trường phổ thông, trường trung cấp, cao đẳng; các cán bộ quản lý trong các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và giáo dục nghề nghiệp; chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục dựa trên công nghệ; các kỹ sư, kỹ thuật viên trong các doanh nghiệp công nghệ, và đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu…
PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng cho biết, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các giảng viên của Viện Sư phạm Kỹ thuật đã thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, công bố được gần 230 bài báo trên các tạp chí khoa học, hội nghị khoa học quốc tế trong và ngoài nước, trong đó hơn 10% là các bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus, SCIE, và chủ biên, tham gia xuất bản khoảng 10 đầu sách…
Không chỉ có vậy, các thầy, cô Sư phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhiều thế hệ giảng viên của Trường và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên cả nước (28 lớp với hơn 1.000 lượt học viên); tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giảng viên các trường đại học (1.511 lượt học viên) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho đất nước.
Năm 2019, đón đầu sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, Viện Sư phạm kỹ thuật đã tiên phong mở ngành công nghệ giáo dục (Educational Technology - EdTech), là ngành học ứng dụng công nghệ để giải quyết các khó khăn của người dạy, người học và cơ sở giáo dục trong quá trình dạy, học và quản lý nhà trường.
Hiện nay, Viện đang đào tạo 300 sinh viên ngành công nghệ giáo dục. Khóa sinh viên đầu tiên của ngành học này sẽ tốt nghiệp vào năm 2023.
Ghi nhận những thành tựu đó, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Cờ thi đua và nhiều Bằng khen qua các năm học.
PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng cho biết, những kết quả đáng tự hào đạt được chính là nhờ những nỗ lực, công sức của các thế hệ cán bộ, giảng viên của Viện qua các thời kỳ; sự tạo điều kiện của Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức và các trường đại học đối tác; và những thành công của các thế hệ cựu sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Viện trong quá trình học tập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, với bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, sự phát triển không ngừng của công nghệ, của khoa học giáo dục, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang thực hiện Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh tự chủ đại học cùng với việc đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của Trường, Viện Sư phạm Kỹ thuật tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ trong giáo dục và tính liên ngành trong khoa học giáo dục.
“Trong thời gian tới, chắc chắn Viện Sư phạm Kỹ thuật sẽ phải đối diện rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, những thành quả đạt được trong quá khứ, những khó khăn và thách thức đang và sẽ phải đối diện chính là động lực để Viện Sư phạm Kỹ thuật nỗ lực vượt qua, tận dụng tốt các cơ hội để phát triển” - PGS.TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng nhấn mạnh.