Tăng tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật
Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 5.3.2024, Thủ tướng ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phân công các bộ, ngành chuẩn bị nội dung quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chuẩn bị 6 Nghị định để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó có Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 91/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị, phản hồi từ địa phương, người dân và doanh nghiệp về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Từ những lý do nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc bản hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.
“Việc ban hành Nghị định không làm tăng biên chế, không tạo ra yêu cầu về bổ sung nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước, không tạo ra sự cồng kềnh trong tổ chức, biên chế của Nhà nước và các tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Chuyển đất trồng lúa sang đất ở đô thị có thể bị phạt 400 triệu đồng
Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 42 điều.
So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã quy định rõ hơn một số khái niệm, cụ thể hóa biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm; quy định rõ hơn thời hạn được coi là không hoặc chưa có vi phạm pháp luật về đất đai; cách xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Dự thảo cũng quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trong đó bổ sung, làm rõ hơn các hành vi vi phạm đã được quy định trong Luật, với 27 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai.
Cùng với đó, dự thảo quy định rõ về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành; biên bản và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ về đất đai.
Đáng chú ý, theo dự thảo, chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (gồm chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, đất làm muối, đất nông nghiệp khác) sẽ bị phạt từ 3 – 50 triệu đồng.
Riêng việc chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng; chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực đô thị có thể bị phạt tới 400 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải thu hồi đất nhưng được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 139 Luật Đất đai; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với việc chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ tại khu vực nông thôn sẽ bị phạt cao nhất lên tới 250 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3ha trở lên; đối với khu vực đô thị thì mức xử phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân và không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức. Mức phạt tối đa này cũng được áp dụng với trường hợp lấn đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị.
Đối với hành vi không đăng ký đất đai lần đầu sẽ bị phạt từ 2 – 5 triệu đồng; trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng, tại khu vực đô thị sẽ tăng gấp 2 lần mức phạt và buộc làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai sẽ phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng; buộc chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo dự án đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai và các thủ tục khác để đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai cũng như buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…