Luật đất đai 2024 có nhiều điểm tích cực đối với lĩnh vực nông nghiệp

- Thứ Năm, 07/03/2024, 11:05 - Chia sẻ

Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm tích cực đối với lĩnh vực nông nghiệp và đất nông nghiệp. Khung khổ pháp luật mới sẽ tạo điều kiện cho đối tượng có khả năng tổ chức sản xuất nông nghiệp tốt hơn, có tiềm lực hơn, có khoa học công nghệ, có vốn nhiều hơn... Điều này rõ ràng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Agribank hân hạnh đồng hành cùng tọa đàm.

Đây là nhấn mạnh của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ngày 6.3.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nếu đề cập đến câu chuyện kỳ vọng, thì Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng có thể giúp sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xuất khẩu theo định hướng phát triển trong tương lai.

Các quy định của Luật cũng tạo ra không gian sản xuất lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp. Có thể đề cập đến hạn mức nhận chuyển giao cũng đã được nới mạnh mẽ hơn, tiếp tục thúc đẩy tích tụ đất đất đai từ 10 lần hạn mức giao đất lên 15 lần. Rồi kể cả tăng hạn mức về thời gian cho quỹ đất 5% cũng tác động trực tiếp đến sản xuất theo hướng hàng hóa, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn.

Luật đất đai 2024 có nhiều điểm tích cực đối với lĩnh vực nông nghiệp -0
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Cùng với đó là câu chuyện nguồn vốn cho đối tượng tổ chức sản xuất, khi đất nông nghiệp cũng được thế chấp để vay vốn ngân hàng, phục vụ sản xuất; là động lực mang tính mở, thu hút đông đảo đối tượng khác trong xã hội tham gia. Về khía cạnh kinh tế, đây là động lực quan trọng để giúp nông nghiệp phát triển theo hướng mạnh mẽ hơn.

Về việc soạn thảo và ban hành các quy định hướng dẫn Luật Đất đai 2024 nói chung và quy định về đất nông nghiệp nói riêng, Ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm: Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai, rất cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn. Đây cũng là việc không kém phần khó khăn như quá trình thông qua Luật Đất đai.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, có lẽ điều thách thức nhất trong trong quá trình thực hiện Luật Đất đai mà từ thực tiễn thực hiện Luật Đất đai trong nhiều năm vừa qua là bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống Luật Đất đai so với các văn bản pháp luật khác. Bởi vì hầu như các luật khác đều liên quan đến đất đai. Việc xung đột mâu thuẫn hay sự khác biệt về quy trình sẽ tạo sự đình trệ trên thực tiễn của quá trình thực hiện. Cho nên, chúng ta đã có Luật Đất đai rồi, bên cạnh soạn các Nghị định cho thật tốt thì phải bảo đảm sự đồng bộ của các Luật.

Trong quá trình soạn thảo cần phải lưu ý hơn khi lựa chọn cơ quan soạn thảo chính để đạt hiệu quả cao. Ví dụ, đối với đất nông nghiệp thì trong khi thiết kế chính sách, người chủ trì soạn thảo chính sách này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn đối với đất đai là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, quan trọng là phải đồng điệu trong thiết kế chính sách, nhất quán trong quá trình xây dựng các chế định và bảo đảm chất lượng của Nghị định.

Bảo Trâm
#