Chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Huệ với độ cao gần 500m so với mực nước biển. Chùa tọa lạc trong một không gian non nước hữu tình, là một trong những thắng cảnh bậc nhất về văn hóa của miền đất Bắc Trung bộ. Đây là nơi duy nhất trên cả nước thờ Phật Bà Đại Tuệ - là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ chống giặc Minh xâm lược, bảo vệ bờ cõi luôn an toàn.
Theo truyền thuyết, chùa có từ thời vua Mai Hắc Đế năm 627 (SCN). Đến thế kỷ thứ XV, vua Hồ Quý Ly phục dựng lại ngôi chùa. Vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789, vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh đã nghỉ chân tại đây. Tương truyền, nhà vua mơ thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành làm căn cứ chống giặc. Để rút ngắn thời gian hành quân, vua Quang Trung vượt qua dãy Đại Huệ, tiến thẳng ra Bắc, sau đó đã vào chùa dâng lễ vật xin Phật gia phù hộ để đánh tan quân Thanh.
Cũng nhờ dừng chân tại chùa Đại Tuệ, vua Quang Trung đã được trụ trì chùa chỉ đường tắt ra kinh đô, đại phá quân Thanh thắng lợi, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng, vua Quang Trung đã xuống chiếu cắt 20 mẫu đất cho chùa để nhân dân lo việc hương khói quanh năm.
Sau khi tôn tạo, xây dựng, chùa Đại Tuệ đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về chùa Đại Tuệ để dâng hương, vãn cảnh, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Đặc biệt, lễ hội “Khai bút, cầu trí tuệ” đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng nhất của chùa Đại tuệ dịp đầu xuân.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Đại Tuệ Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết, đây là hoạt động thường niên của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ cũng như giáo dục con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an; đồng thời thể hiện sự trân trọng giữa người cho và người nhận.
Ngoài Lễ Khai bút đầu Xuân, Chùa Đại Tuệ còn diễn ra các hoạt động như Lễ hội Hoa đào, Lễ hội Hương sen Xứ Nghệ... diễn ra đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Các hoạt động này hứa hẹn mang đến cho du khách thập phương một không gian đặc sắc nhân dịp đầu Xuân năm mới.