Những người Tây phương tha hương lơ ngơ đi sưu tầm hiện vật địa phương và học tiếng Arập. Họ kín đáo nhìn lướt qua hậu cung và để các bà vợ mình trong tư thế như là thê thiếp. Nên đám họa sĩ đã nổi giận khi những người phương Tây mới đến làm hư hỏng phong cảnh Đông phương. Họa sĩ tài hoa người Paris, Théodore Chassériau (1819 - 1856) đã viết thư cho gia đình vào năm 1846, khi đang sống tại một doanh trại quân đội Algeria: “Tôi vẽ và ghi chú về đất nước đặc biệt, xinh đẹp, đang dần mất hết tính độc đáo và sắp bị Pháp hóa hoàn toàn này”.
Cô gái bên cửa sổ (1906) của Étienne Dinet được đấu giá tháng 6.2013 |
Các tác phẩm nghệ thuật Đông phương của những họa sĩ nước ngoài thu hút giới học giả chuyên sâu và các nhà sưu tập. Ngày 20.6.2013, nhà đấu giá Christie ở Paris đưa ra khoảng 45 bức tranh và tác phẩm điêu khắc (ước tính giá mỗi tác phẩm lên đến bảy con số) của một chủ sở hữu chưa công bố tên – mô tả cảnh quan, dân chúng và binh lính tại Bắc Phi và Trung Đông. Tác giả hai phần ba số tác phẩm này là Étienne Dinet (1861 - 1929), một người Paris đã trải qua nhiều thập kỷ ở một thị trấn ốc đảo thuộc Algeria. Ông đã đổi họ thành Nasreddine, cải sang đạo Hồi và đấu tranh chống ách thống trị của chế độ thực dân Pháp. Nhà Christie đang rao bán hai bức vẽ của Dinet: hoạt cảnh những ông già diễu hành phản đối chế độ cưỡng bức bắt lính của quân đội Pháp, và bức chân dung một tân binh Algeria mới bị bắt quân dịch đang quyến luyến chia tay mẹ. “Dinet đã hoàn toàn đắm mình trong văn hóa”, Sebastian Goetz, một chuyên gia Đông phương học của nhà Christie cho biết.
Những người ký gửãi tranh đấu giá giấu tên cũng ra giá cao đối với các bức vẽ của Frederick Arthur Bridgman (1847 - 1928), một người bản địa Alabama qua đào tạo ở New York và Paris và đã dành nhiều năm ở Ai Cập và Algeria. Trong một tác phẩm, Bridgman mô tả những cư dân bộ lạc quằn quại nhảy múa trên khoảnh sân nhỏ. Nó được vẽ trong sự hoài nghi mơ hồ: họa sĩ nghi ngờ những người đang biểu diễn kia đã cường điệu nỗi đau đớn nhằm gây ấn tượng với khách du lịch và cánh họa sĩ. Bridgman viết trong hồi ký năm 1890: “Cảm giác đau đớn dường như chân thật, và chúng tôi dám chắc như vậy, mặc dù các khía cạnh khác trong thủ tục tôn giáo của họ, hay đúng hơn là những ngón nghề điêu luyện, xuất hiện kèm với trò lừa bịp và lừa dối”.
Một đường phố Algeria (1880) của họa sĩ Frederick Arthur Bridgman |
Các họa sĩ theo tinh thần Đông phương đôi khi hiểu lầm những điều họ chứng kiến hoặc trang phục và các điệu bộ cố ý giả tạo nhằm tăng hiệu ứng hình ảnh. Cuốn sách Kiệt tác nghệ thuật Đông phương - Bộ sưu tập của Shafik Gabr (Ấn bản của ACR/Câu lạc bộ sưu tập đồ cổ), xuất bản năm ngoái, mô tả khoảng 130 tác phẩm của nhà đầu tư người Ai Cập, Shafik Gabr mua từ năm 1993. Các bài luận ghi nhận vẫn có những chỗ các họa sĩ không chính xác về văn hóa. Ví dụ, họa sĩ người Pháp Jean-Léon Gérôme (1824 - 1904), một vị khách lão luyện của khu vực Ảrập, vượt qua được bọn cướp sa mạc và những cơn bão cát, mô tả đám đông đang cầu nguyện trong một nhà thờ Hồi giáo Istanbul ở tư thế ngồi, đứng và cúi đầu hoàn toàn khác nhau. Nhà sử học về nghệ thuật Gerald M. Ackerman viết trong cuốn sách: “Gérôme chắc chắn biết rằng trong nhà thờ Hồi giáo các tín đồ tập trung cầu nguyện, thay đổi vị trí và cử chỉ cùng một lúc”, nhưng thay vào đó, ông vẽ thêm nhiều đường nét nhịp điệu và chú giải đủ các phong tục của địa phương.
Cuốn sách cung cấp cặn kẽ xuất xứ của từng bức tranh, do đó giá bìa là quá rẻ khiến người đọc không cần khám phá trực tuyến. Năm 2010 tại nhà đấu giá Sotheby ở London, ông Gabr đã trả 620.000 USD cho bức chân dung một giáo sĩ Hồi giáo của Gérôme và 205.000 USD cho bức tranh những tình nhân trò chuyện tại một khu chợ ở Tunis của Bridgman. Ông Gabr cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng bộ sưu tập hiện có khoảng 150 bức. Ngày 23.4.2013, ông đã trả 300.000 USD cho bức vẽ người đàn ông say đắm một vũ nữ của Dinet (cũng tại nhà đấu giá Sotheby). “Các họa sĩ dũng cảm nên được biết đến nhiều hơn – ông nói – Tấm lòng quảng đại và cởi mở của họ có thể làm gương cho những người khác. Vì, họ đã tạo ra mối liên kết, xây dựng cầu nối và tình giao hảo tốt đẹp”.
Hậu cung của họa sĩ Théodore Chassériau, thế kỷ XIX |
Một khách hàng lớn trong lĩnh vực này là Bảo tàng Nghệ thuật Dahesh ở Manhattan, đang tìm kiếm không gian để trưng bày thường xuyên bộ sưu tập ngày càng lớn của họ. Năm vừa rồi, họ đã trả 176.000 USD cho bức tranh toàn cảnh các tháp ở Cairo của Dinet và 46.000 USD cho bức chân dung một vũ công đeo đầy trang sức của Bridgman. Liên quan đến hội họa về Đông phương, một chương trình về cảnh quan sông Nile của họa sĩ, nhà thiết kế người Mỹ Lockwood de Forest được nhà trưng bày Sullivan Goss tổ chức tại Santa Barbara (California) đã mở cửa cho khách tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật Montreal và Bảo tàng Augustins tại Toulouse (Pháp) đang hợp tác mở một triển lãm nhìn lại quá khứ sáng tác của họa sĩ người Paris chuyên vẽ tranh tường và chân dung Jean-Joseph Benjamin-Constant (1845 -1902), người đã mô tả các hiện vật quê hương Marốc của mình qua các bức tranh. Nhà sử học về nghệ thuật Ellen K. Morris đang biên soạn cuốn danh mục lý luận của Edwin Lord Weeks (1849 - 1903), một họa sĩ Boston đã sống sót trong gang tấc khi bệnh dịch bùng phát ở Trung Đông như chính trong các bức vẽ của mình. Năm tới, nhà xuất bản Đại học Yale sẽ công bố công trình Hội tụ các nền văn hóa - John Frederick Lewis (1804 - 1876) và nghệ thuật hội họa Đông phương” của nhà sử học về nghệ thuật Emily M. Weeks. Họa sĩ Lewis, một người London di cư đến Cairo (Ai Cập), đưa chân dung tự họa vào tranh, hóa thân thành một người buôn bán thảm, tín đồ Hồi giáo và ông chủ của hậu cung.
Qua toàn bộ các lĩnh vực của dòng hội họa về Đông phương, nhà sử học Weeks phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Có rất nhiều điều để bạn học hỏi, thậm chí từ cả những sai lầm trong những bức tranh này”.
TRI SƠ <i>dịch</i><br>Theo <i>Thời báo NewYork</i>