Trực Tết của bác sĩ cấp cứu - hồi sức tích cực: Khi trách nhiệm trở thành niềm vui

“Tôi vẫn thường nói với cả tất cả các bác sĩ trẻ sau này, ở thế hệ sau của tôi rằng nếu các em không muốn trực Tết, không muốn làm những trách nhiệm này thì các em không thể theo đuổi ngành y. Hãy biến những trách nhiệm đó trở thành niềm vui...”, bác sĩ Ngô Đức Hùng Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói.

Đồng hồ vừa điểm 0h. Bên ngoài bầu trời Hà Nội, pháo hoa đã rực sáng, báo hiệu khoảnh khắc giao thừa vừa đến. Tách biệt với không khi náo nhiệt bên ngoài, phía trong buồng bệnh cấp cứu, bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp đang nỗ lực giành lại sự sống cho một bệnh nhân.

Nam bệnh nhân trẻ tuổi mắc rối loạn nhịp tim, vừa bị ngừng tim trên đường đến bệnh viện. Khi tiếp nhận, kíp cấp cứu ngay lập tức tiến hành hỗ trợ hô hấp, thay nhau ép tim. Thấm mệt, các bác sĩ lại đổi vị trí cho nhau, đảm bảo quá trình ép tim không bị ngắt quãng. May mắn, bệnh nhân sau đó đã tái lập tuần hoàn, thở trở lại. Người bệnh tưởng như không còn hy vọng sống đã hồi phục diệu kỳ, não không bị tổn thương.

Đêm giao thừa năm ấy trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với bác sĩ Hùng. Thời điểm đó, anh vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú và bắt đầu tham gia trực Tết.

“Có lẽ cảm xúc hạnh phúc nhất của mỗi người bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân là thấy họ dần ổn định và qua khỏi được”, bác sĩ Hùng nói.

(Video: Nguyễn Liên - Văn Tùng - Xuân Sơn)

“Tôi không kịp ăn cái Tết cuối cùng với mẹ, trước khi mẹ mất...”

Bác sĩ Ngô Đức Hùng hiện là giảng viên Bộ môn Hồi sức cấp cứu, Trường Đại học Y Hà Nội, kiêm nhiệm Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Gần 20 năm công tác trong ngành y tế, cũng là chừng ấy thời gian bác sĩ Hùng tham gia trực Tết. Trong đó, hầu hết thời gian trực Tết của anh đều rơi vào ngày 30 hoặc mùng 1.

z6274248418831-1da6e4bf784d76853c011c8ce4714c75.jpg
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Dịp Tết Nguyên Đán thường là những ngày vất vả nhất trong năm đối với các y bác sĩ, đặc biệt ở chuyên ngành cấp cứu - hồi sức tích cực. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu không chỉ cao hơn so với ngày thường mà mặt bệnh cũng đa dạng, phức tạp hơn. Lý do bởi dịp Tết, các phòng khám thông thường tạm đóng cửa, bệnh nhân cũng có tâm lý gắng chịu đựng ở nhà, đến khi bệnh tiến triển nặng mới nhập viện. Trong đó, các mặt bệnh liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, các bệnh lý nhiễm trùng có xu hướng tăng cao.

Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội những ngày này trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân vào cấp cứu, trong số đó khoảng 30% là bệnh nhân nặng. Một tháng trước Tết Nguyên Đán, các bác sĩ đã có những cuộc họp bàn để đưa ra dự kiến về số lượng bệnh nhân, diễn biến mặt bệnh, từ đó lên kế hoạch dự trù vật tư, trang thiết bị cần thiết, cùng với phân bổ nhân lực phù hợp.

“Thú thật là mỗi khi nghe thông tin nghỉ Tết dài thì các bác sĩ rất sợ, vì ngày Tết sẽ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, anh em luôn luôn sẵn sàng, bởi đây là trách nhiệm với nghề nghiệp. Chúng tôi phân công lịch trực Tết giống như làm việc ngày thường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lên song song một lịch trống khác, dành cho những tình huống bất ngờ xảy ra như chùm ca bệnh nặng hoặc dịch bệnh. Các bác sĩ ở trong lịch dự phòng luôn sẵn sàng điện thoại, để nếu cần huy động phải có mặt ngay. Nhiều khi ngày Tết, đi chúc Tết vẫn nơm nớp, chỉ sợ có tình huống nào đó bất ngờ xảy ra thì phải nhanh chóng có mặt”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

z6274277636458-a26cbb231e9b4b5e2d2a8413fbe5df80.jpg
z6274277766123-8cd24a7da4a76c0c8be2b2dcbec4fba5.jpg
Dịp Tết Nguyên Đán thường là những ngày vất vả nhất trong năm đối với các y bác sĩ, đặc biệt ở chuyên ngành cấp cứu - hồi sức tích cực (Ảnh: Xuân Quý)

Gần 20 năm gắn bó với ngành y, chưa một năm nào, anh Hùng được ăn Tết trọn vẹn với gia đình.

Bác sĩ Hùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, khi bố anh cũng là bác sĩ. Có lẽ chính vì vậy, bố mẹ anh luôn rất hiểu và thông cảm mỗi khi anh vắng nhà. Một trong những điều tiếc nuối nhất với bác sĩ Hùng, chính là không được ăn cái Tết cuối cùng với mẹ, trước khi bà mất.

“Năm ấy, tình trạng của mẹ tôi rất nặng. Tôi biết đó là cái Tết cuối cùng của mẹ, nhưng lại không về được. Mẹ tôi mất sau Tết đúng một tháng, trước lúc ra đi cũng không muốn gọi tôi về vì rất hiểu công việc của con”, anh kể.

Với bác sĩ Hùng, trực Tết vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, cũng là niềm tự hào của mỗi nhân viên y tế như anh.

“Ở những thời khắc đặc biệt như thế, bệnh nhân thực ra cũng không muốn nằm viện. Họ cũng rất muốn được khỏe mạnh trở về để sum họp với gia đình. Vì thế nên khi chúng tôi tiếp xúc với bệnh nhân, hỗ trợ cho họ, để cho họ sớm được về với gia đình thì đó cũng là niềm vui rất lớn. Niềm vui này không chỉ dành cho riêng chúng tôi, mà là niềm vui dành cho nhiều người”, anh Hùng nói.

z6274277832637-63559b2b0cec194dcbb2a6a1fff52176.jpg
Bác sĩ Hùng trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Động lực lớn nhất là bệnh nhân

Năm nay, bác sĩ Phạm Thị Tuyết Dung - đồng nghiệp của bác sĩ Hùng tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được phân công trực mùng 1 và mùng 4 Tết. Từ ngày còn là sinh viên trường Y, bác sĩ Dung đã quen thuộc với những ngày phải vắng nhà để đi trực tại bệnh viện, trong đó có lịch trực Tết. Tuy nhiên khi có con nhỏ thì việc xa gia đình, xa con vào những thời khắc đặc biệt cũng đôi lần khiến chị Dung chạnh lòng.

“Đó là cảm xúc trước khi đi trực. Còn khi đã bước vào ca trực rồi, tôi lại bị cuốn vào vòng quay công việc, suy nghĩ lớn nhất chỉ là phải làm sao chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, tránh những tình trạng nặng xảy ra”, chị Dung chia sẻ.

z6274248427879-b96cbace9c63e99aeb3b5018616b7a3a.jpg
Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Dung, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Bác sĩ Dung tâm sự, công việc trực Tết của y bác sĩ thường vất vả hơn ngày bình thường bởi sẽ có rất nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên và những trường hợp nặng bất ngờ, cần huy động nguồn lực của rất nhiều chuyên khoa, chuyên ngành khác nhau cùng phối hợp. Hơn nữa, tâm lý người nhà bệnh nhân thường rất sốt sắng, mong bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, được ra viện sớm. Điều này một phần cũng gây áp lực cho nhân viên y tế.

Hình ảnh để lại nhiều ấn tượng nhất trong những ngày trực Tết với bác sĩ Dung là về những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa hay viêm tụy cấp liên quan đến rượu. Trong Tết, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu với tình trạng này rất nhiều.

“Có thời điểm, tại Khoa có cả một dãy hàng dài bệnh nhân với những túi máu treo ở bên trên, đa phần là trường hợp rất nặng. Những nhân viên trực dọn phòng cấp cứu đôi khi đến 1, 2h sáng vẫn phải cặm cụi lau dọn vết máu trên giường bệnh hay trên sàn nhà, vì bệnh nhân nôn ra rất nhiều máu. Có những bệnh nhân, chúng tôi buộc phải bất lực nhìn họ nôn máu cho đến khi mất mà không thể làm gì khác được, vì tình trạng xuất huyết tiêu hóa và rối loạn đông máu rất nặng...”, bác sĩ Dung kể.

z6274277963287-22af86948e2e2192a3048d9f13f655b5.jpg
z6274277703937-cefce1e93bcc8c61e4863f491dd178f4.jpg
Từ ngày còn là sinh viên trường Y, bác sĩ Dung đã quen thuộc với những ngày phải vắng nhà để đi trực tại bệnh viện, trong đó có lịch trực Tết (Ảnh: Xuân Quý)

Với bác sĩ Phan Nguyễn Đại Nghĩa, lịch trực năm nay rơi vào ngày 27 và 29 Tết, anh cùng với các đồng nghiệp đón giao thừa tại bệnh viện. Sau khi kết thúc các ca trực, bác sĩ Nghĩa mới về quê đón Tết cùng gia đình.

Quãng đường di chuyển từ Hà Nội về quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh khá xa, những ngày đầu năm mới các nhà xe đều đã nghỉ nên anh Nghĩa quyết định đi tàu, thời gian di chuyển khoảng 7-8 tiếng. Ngày mùng 2 Tết, anh mới về đến nhà để kịp đón Tết với người thân, trước khi quay trở lại bệnh viện để tiếp tục công việc.

“Từ ngày còn là sinh viên trường y tới khi học lên bác sĩ nội trú, tôi vẫn luôn có khoảng thời gian trực Tết tại viện, do đó đã nhiều năm nay không thể ăn Tết trọn vẹn với gia đình. Ngày đầu năm mới, ai cũng mong được đoàn tụ với gia đình. Tôi cũng rất muốn về nhà và biết có rất nhiều người đang chờ mình, nhưng đây là tính chất công việc mà chúng tôi phải thích nghi”, bác sĩ Nghĩa tâm sự.

z6274248354913-aa5a0af2e91ea14a9c3bead735ffad25.jpg
Bác sĩ Phan Nguyễn Đại Nghĩa, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Động lực lớn nhất với bác sĩ Nghĩa để vượt qua những áp lực trong công việc đến từ chính những người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Có một hình ảnh đặc biệt luôn khiến bác sĩ Nghĩa xúc động mỗi khi nhớ lại. Trong ca trực Tết khoảng 2 năm trước, anh Nghĩa khi ấy còn là bác sĩ nội trú, tranh thủ đứng trước cửa khoa cấp cứu để thư giãn sau khi tình hình các bệnh nhân đã ổn định. Hình ảnh đối lập giữa dòng người bên ngoài hối hả về đón Tết và phía trong buồng bệnh, người nhà bệnh nhân cố gắng xích lại gần nhau để chống lại cái lạnh, vì người thân của họ vẫn đang điều trị khiến anh Nghĩa nhói lòng.

“Hình ảnh đó in sâu vào tâm trí tôi rất rõ, khiến tôi luôn tự nhủ cần phải cố gắng hơn nữa. Người bệnh đến với chúng tôi, họ có những đau đớn, bệnh tật trong người, họ cần chúng tôi hỗ trợ. Đó là động lực rất lớn đối với chúng tôi”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

z6274278059779-1768904e425b517457291d702768a620.jpg
Bác sĩ Nghĩa trò chuyện, động viên một người bệnh (Ảnh: Xuân Quý)

Cũng như bác sĩ Nghĩa, động lực lớn nhất với bác sĩ Phạm Thị Tuyết Dung đến từ bệnh nhân. Bác sĩ Dung từng tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân suy tim rất nặng, gần như chỉ có thể sinh hoạt tại giường vì cứ đi lại sẽ khó thở. Một lần, bệnh nhân thủ thỉ: “Tôi thấy bác sĩ thật là hạnh phúc vì bác sĩ vẫn có thể chạy đi chạy lại như vậy”.

“Câu nói của bệnh nhân khiến tôi rất xúc động. Dù công việc của chúng tôi vất vả, nhưng so với rất nhiều người bệnh đang phải điều trị tại đây, tôi vẫn có thể chạy đi chạy lại, vẫn có thể đến những nơi mình mong ước, thực hiện ước mơ của mình, như vậy là mình cũng đã có nhiều hạnh phúc rồi.

Do đó, chúng tôi cũng cần phải có trách nhiệm giúp đỡ họ, để họ có thể có một hơi thở dễ dàng hơn, có thể tự sinh hoạt được, làm những công việc bình thường như một người bình thường. Bệnh nhân có hạnh phúc, chúng tôi cũng sẽ có hạnh phúc”, bác sĩ Dung nói.

z6274277573199-963d29dd8ee0d3e44c7f85bc57299cd2.jpg
z6274277511324-94b1a9d83ec9d7e9534b0dce31c5a2fe.jpg
Động lực lớn nhất với các bác sĩ đến từ sự hồi phục của bệnh nhân (Ảnh: Xuân Quý)
dsc-0580.jpg
Bác sĩ Ngô Đức Hùng cùng các sinh viên trường Y trong ca trực Tết (Ảnh: Xuân Quý)

Bác sĩ Ngô Đức Hùng tâm sự, khi thời điểm giao thừa trôi qua, bệnh nhân đã vãn đi một chút và tình hình ổn định hơn, các y bác sĩ thường tranh thủ ngồi cùng nhau để trò chuyện. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Có những y bác sĩ cha mẹ ốm nặng vẫn đi trực ngày Tết. Hay có những người phải xa con nhỏ, để lại nhà cửa với nhiều bộn bề để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, họ đều gạt đi những nỗi niềm riêng để hoàn thành trách nhiệm của mình.

“Tôi vẫn thường nói với cả tất cả các bác sĩ trẻ sau này, ở thế hệ sau của tôi rằng nếu các em không muốn trực Tết, không muốn làm những trách nhiệm này thì các em không thể theo đuổi ngành y.

Hãy biến những trách nhiệm đó trở thành niềm vui. Khi cố gắng hết sức mình, bằng mọi cách, bằng chất xám và chuyên môn đang có thì các em sẽ đạt được những thành quả, mà chính sự hồi phục của người bệnh sẽ đem lại những niềm vui rất to lớn cho chúng ta”, bác sĩ Hùng nói.

Sức khỏe

Cảnh báo về tăng nguy cơ các bệnh lý viêm vùng mũi họng sau Tết
Sức khỏe

Cảnh báo về tăng nguy cơ các bệnh lý viêm vùng mũi họng sau Tết

Sau Tết, nhiều người gặp phải các vấn đề tai mũi họng do chế độ ăn uống không khoa học và thói quen sinh hoạt chưa hợp lý. Việc nhận thức rõ nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, giúp mỗi người có một cơ thể khỏe mạnh để tiếp tục làm việc và học tập hiệu quả sau kỳ nghỉ lễ.

 Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cả nước có hơn 14.000 trẻ chào đời tại các cơ sở y tế
Sức khỏe

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cả nước có hơn 14.000 trẻ chào đời tại các cơ sở y tế

Theo báo cáo về công tác y tế trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 của Bộ Y tế cung cấp, tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 25 đến 31.1, tức từ 26 tháng Chạp đến mùng 3 Tết) là hơn 478.000 trường hợp, trong đó có hơn 160.000 người phải nhập viện điều trị nội trú.

Hai người bệnh chết não hiến tạng giúp 3 người hồi sinh đầu năm mới
Sức khỏe

Hai người bệnh chết não hiến tạng giúp 3 người hồi sinh đầu năm mới

Tối ngày 31.1, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, trong 2 ngày 30 và 31.1 (tức mùng 2 và mùng 3 Tết), bệnh viện đã thực hiện thành công vận động hiến tạng từ hai người bệnh chết não giúp 1 trái tim và 2 quả thận được ghép, hồi sinh cho 3 bệnh nhân trong những ngày đầu năm mới.

Tự hào vì y tế Việt Nam được tổ chức hoàn chỉnh, rộng khắp và có trình độ cao
Sức khỏe

Tự hào vì y tế Việt Nam được tổ chức hoàn chỉnh, rộng khắp và có trình độ cao

Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân nhân ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025 về những tiến bộ của y tế Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Trung ương (TƯ) Huế, GS. TS. TTND. ĐBQH Phạm Như Hiệp cho rằng, điểm sáng của y tế Việt Nam chính là đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành có trình độ chuyên môn cao và uy tín trong khu vực cũng như quốc tế. Nhờ đó, rất nhiều bệnh viện đã và đang triển khai thành công hàng loạt kỹ thuật tiên tiến như ghép tạng, ghép tế bào gốc, điều trị ung thư đa mô thức, phẫu thuật nội soi 3D, robot phẫu thuật…

Bị dập vỡ nhãn cầu do tự chế pháo nổ
Sức khỏe

Bị dập vỡ nhãn cầu do tự chế pháo nổ

Thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị cho một người bệnh bị dập vỡ nhãn cầu và đa chấn thương do tự chế tạo pháo nổ.

14.000 người tham gia Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ 2
Sức khỏe

14.000 người tham gia Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ 2

Hội Gây mê hồi sức Việt Nam phối hợp với một số trường đại học và bệnh viện tổ chức Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần thứ 2 với chủ đề “Chung tay vì một tương lai không đau trên toàn thế giới", tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm thiểu nỗi đau cho người bệnh.

Số ca nặng do tai nạn giao thông giảm đáng kể
Sức khỏe

Số ca nặng do tai nạn giao thông giảm đáng kể

Thống kê chưa đầy đủ từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 2 tuần đầu năm 2025, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông tương đương như thời điểm năm 2024, tuy nhiên số ca nặng đã giảm đến 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.