Văn hóa - Du lịch

Then - điệu hát của trời

Trong đời sống, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Tày, Nùng, Thái vùng núi phía Bắc, hát then được ví như “điệu hát của trời”. Trong từng lời ca, điệu hát ấy phản chiếu cả nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào.

Hàm chứa giá trị nhân sinh

Ké quả tàng nghìn tiếng lượn then/Mùa lườn táng piếu pồn báo ón…

Câu ca dao của dân tộc Nùng được hiểu là “Người già qua đường nghe tiếng lượn then/ Về nhà như biến thành trai trẻ”, nói lên giá trị của hát then trong đời sống. Đối với bà con dân tộc Tày, Nùng, Thái, then sinh ra và tồn tại trong đời sống dân gian, phục vụ mục đích tâm linh của cộng đồng. Khởi nguồn từ tín ngưỡng gắn với các nghi lễ như cầu mùa, cầu an giải hạn, chữa bệnh, chúc tụng… nên hát then chứa đựng những giá trị nhân sinh quan sâu sắc.

Then - điệu hát của trời -1
Nghệ nhân trình diễn trích đoạn then cổ tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI. Ảnh: Thái Minh

Trong quan niệm người Tày, Nùng, then có nghĩa là trời. Hát then nhằm thuật lại hành trình của con người lên thiên giới cầu xin những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Còn người Thái ví hát then giống như điệu hát thần tiên, thẩm thấu những truyền thống văn hóa lâu đời, mang theo ý nghĩa răn dạy con người cách đối nhân xử thế, cách lao động… Then gắn bó với đời sống hàng ngày của người Tày, Nùng, Thái từ lúc sơ sinh đến khi mất đi. Những âm thanh của cây tính tẩu (đàn tính), tiếng xóc nhạc… bởi vậy đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ.

Thống kê đến nay, hệ thống bài bản của then gồm khoảng 4.000 câu với nội dung phong phú, phản ánh đa dạng các mặt của đời sống xã hội: thiên nhiên, muông thú, bản mường, tang ma… Theo nghệ nhân ưu tú Chu Thị Hồng Vân, dân tộc Nùng, ở thôn Hố Cao, xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang, làn điệu then giúp con người gửi lời cầu nguyện đến trời. Vì thế mỗi khi thực hành nghi lễ, người làm then phải trình diễn bằng cả tâm hồn, nhiệt huyết của mình, sao cho âm thanh, làn điệu nhuần nhuyễn giữa đàn, hát, xóc nhạc.

“Hát then trong nghi lễ dẫn người nghe vào hành trình với nhiều thử thách cam go. Qua mỗi chặng đường, tiếng đàn, điệu hát lại bắt nhịp với từng tình huống gặp phải. Gặp kẻ khốn khó, đau thương thì lời then réo rắt, du dương, chứa chan tình cảm; vào cảnh săn bắn thì lời then nhịp nhàng, rộn rã, mau lẹ; ở khúc chia ly thì lời then nghe thầm thì như suối reo mà nhiều đoạn khắc khoải như nỗi mong ngóng, chờ đợi…”, nghệ nhân ưu tú Chu Thị Hồng Vân cho biết.

Các nghi lễ then bao giờ cũng tập hợp rất nhiều người đến xem và tham gia phụ việc, rồi chính họ cũng bước vào không khí linh thiêng. Mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều chăm chú nghe các trường đoạn then, nghe các câu chuyện được thầy then thể hiện và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Chính vì đi kèm với tín ngưỡng nên trải qua nhiều thăng trầm, hát then vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Cải biên, thích ứng với đời sống hiện đại

Từ nghiên cứu và thực hành nghệ thuật hát then, nghệ nhân Nguyễn Văn Bách cho biết, then là cả đời sống tinh thần của người dân Tày, Nùng, Thái. Từ phương tiện truyền tải tín ngưỡng, theo thời gian, hát then đã chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng. Then văn nghệ hay còn gọi là then phi tín ngưỡng, ra đời từ đầu thế kỷ XX, gắn với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu then tín ngưỡng. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… có nhiều nghệ nhân then nhất, hát then văn nghệ vì thế cũng rất phát triển ở những nơi này.

Then - điệu hát của trời -0
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách trong một trích đoạn then trên sân khấu. Ảnh: NVCC

Những người có công đầu trong sáng tạo nên loại hình then phi tín ngưỡng là văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa, người yêu then. Bám sát đời sống, lời mới của hát then gắn với công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, thậm chí có những bài hát then mang tính tuyên truyền, bài trừ lạc hậu, tệ nạn xã hội… Rồi hát then cùng cây đàn tính, xóc nhạc được đưa lên sân khấu. Nhiều trích đoạn then cổ cũng theo đó mà sân khấu hóa, thông qua các chương trình văn nghệ, liên hoan… để lan tỏa giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái đến với nhiều cộng đồng khác.

Nghệ nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bách nhìn nhận, trong khi hát then nghi lễ lưu giữ giá trị tâm linh cho cộng đồng, những tiết mục hát then cải biên sẽ trở thành điểm nhấn cho các chương trình nghệ thuật, trở thành đặc sản văn hóa quý giá để các tỉnh miền núi phía Bắc phô diễn trước bạn bè bốn phương. Hơn nữa, những bài then cải biên theo các chủ đề còn là nguồn tư liệu cổ động sinh động khi tuyên truyền tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ hướng đi song hành lưu giữ và phát triển này mà hát then được lan tỏa, được cộng đồng trân trọng, giữ gìn và tìm cách bảo vệ trong bối cảnh hội nhập.

“Then là tài sản vô giá không chỉ của người Tày, Nùng, Thái, mà còn là đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Hát then đang đứng trước nhiều thách thức do nghệ nhân lớn tuổi ngày càng mai một, nghệ nhân hát then mới chưa kế thừa, tiếp thu đầy đủ, bài bản từ lớp trước, nhiều người trẻ chưa mặn mà... Bây giờ, giữ gìn, phát triển hát then không chỉ là của riêng ngành văn hóa mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đặc biệt là những người con của quê hương Việt Bắc, những người con của dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nếu không bảo vệ được hát then thì chúng ta sẽ mắc tội với ông bà, tổ tiên và con cháu đời sau”, nghệ nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.

Văn hóa

Phát huy “kho báu” di sản văn hóa
Văn hóa

Phát huy “kho báu” di sản văn hóa

Ngày 25.10, tại Ninh Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích đã phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”.

Âm nhạc - nhịp cầu gắn kết
Văn hóa - Thể thao

Âm nhạc - nhịp cầu gắn kết

Bridge, ban nhạc đặc biệt gồm các nhà ngoại giao quốc tế tại Hà Nội và cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của âm nhạc trong việc xây dựng những “nhịp cầu” gắn kết. Họ sẽ cùng nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc biểu diễn tại BridgeFest 2024 - lễ hội âm nhạc kết nối, truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng.

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Hào quang rực rỡ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay vẫn là dấu ấn lớn trong nền nghệ thuật dân tộc. Từ đây, Việt Nam có thêm cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, hình thành các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình.