Đọc sách: Phép ẩn dụ về Iraq

Một motif bi kịch trong cái vỏ hài kịch, vì đằng sau nỗi đau xót cho một nền văn minh bị hủy diệt là cái cười chua chát thấp thoáng.

Đọc sách: Phép ẩn dụ về Iraq

Chuyện xảy ra ở thành phố Baghdad của Iraq sau khi Mỹ đưa quân vào, cho nên có thể thấy thành phố hoàn toàn chìm trong bạo lực và khủng bố. Trong suốt cuốn tiểu thuyết Frankenstein ở Baghdad xảy ra nhiều vụ nổ, nhưng mọi chuyện hầu như xoay quanh vụ nổ đầu tiên. Một chiếc xe chở rác mang đầy thuốc nổ lao vào cổng khách sạn nhưng không kịp đánh sập khách sạn vì người bảo vệ đã nhanh tay xả súng khiến nó nổ tung ở trước cổng. Người bảo vệ chết, linh hồn anh bay lên chứng kiến những gì xảy ra sau vụ nổ. Linh hồn ấy cần tìm một thể xác để nhập vào.

Trong khu phố có một gã thu mua đồ cũ lắm điều. Gã thêu dệt những chuyện xung quanh vụ nổ đến mức không phân biệt được thật hay là bịa. Gã nhặt nhạnh những mảnh xác chết, khâu lại thành hình hài một người đàn ông. Linh hồn anh bảo vệ từ trên cao đã bay xuống nhập vào cái thể xác chắp vá này.

Trong đám cư dân ở gần đó chứng kiến vụ nổ kinh hoàng có một bà già sống cô đơn. Con trai bà bị bắt lính, bị đẩy ra chiến trường và mất tích đã hai mươi năm. Khi nhìn thấy cái hình hài hồn nọ xác kia, bà già vội nhận ngay đó là đứa con trai biền biệt của mình. Hai người con gái của bà chạy khỏi đất nước Iraq loạn lạc, sang cư trú ở nước Úc, nhưng vẫn lo cho mẹ. Họ liên tục gọi điện về để thuyết phục mẹ cùng sang Úc. Nhưng bà già chỉ nói về việc đứa con trai mất tích vừa trở về và bà không thể đi. Các con gái cho là bà già lẩm cẩm, còn bà già thì bực mình vì không thuyết phục nổi con gái tin là người con trai mất tích đã trở về. Bà thậm chí quyết định tuyệt giao với hai cô con gái vì họ không tin là bà còn sáng suốt.

Cái hình hài hồn nọ xác kia được đồn đại là Vô Danh, một kẻ báo thù. “Vô Danh được tạo nên từ bộ phận cơ thể của những người đã bị giết chết, cộng thêm linh hồn của một nạn nhân khác, và được đặt theo tên của một nạn nhân khác nữa. Hắn là sự kết hợp của các nạn nhân tìm kiếm sự trả thù cho cái chết của họ để họ có thể an nghỉ. Hắn được tạo ra để trả thù thay họ” (trang 163). Khi những bộ phận cơ thể cũ bị phân hủy, bị rời rụng, hắn tự đi tìm những bộ phận cơ thể của những người mới chết vì bạo lực để chắp vào, và cuộc trả thù cứ thế tiếp diễn, không chịu dừng lại. Vô Danh tìm giết lão thợ cắt tóc trong khu phố, kẻ phải chịu trách nhiệm bắt nhiều lính ra trận, gây ra cái chết của nhiều người, trong đó có con trai của bà lão cô đơn. Vô Danh giết những tay sĩ quan gây ra cái chết của người dân, giết những tên lính đánh thuê, giết trùm khủng bố. “Ta là công lý duy nhất hiện hữu ở đất nước này” (trang 168).

Ở trung tâm tiểu thuyết còn có nhân vật phóng viên được phân công đi thu thập tin tức rồi chứng kiến vụ nổ, sau đó được nghe những chuyện lạ lùng về một kẻ báo thù cho các nạn nhân. Anh vốn là phóng viên cho một tờ báo ở tỉnh nhỏ rồi gặp tai nạn nghề nghiệp. Trong bài viết về một tội phạm, anh luận về công lý và khi công lý được thực thi, tên tội phạm bị chết, anh bị đồng đảng của hắn truy đuổi. Phóng viên phải bỏ chạy khỏi quê hương, lên thủ đô Baghdad làm việc cho một tạp chí. Từ đây anh sa vào một mê cung của những vụ nổ, những nạn nhân, những nhân chứng, những kẻ dựng chuyện như gã thu mua đồ cũ, với kẻ báo thù vô danh và vô hình như con quỷ Frankenstein kia.

Thêm nữa, là ông tổng biên tập của anh, người đã thúc đẩy anh sa vào cuộc phỏng vấn điều tra kỳ bí. Ông tổng biên tập này cũng biến mất. Cơ quan điều tra đến đóng cửa tòa soạn và truy tìm ông ta vì tội biển thủ một số tiền lớn. Nhưng có thật là như thế hay là họ đang bịt miệng một tiếng nói và một nhà hoạt động chính trị có lý tưởng? Rất có thể vừa như thế này vừa như thế kia, trong một đất nước bị hủy diệt và bị xâu xé bởi những thế lực nước ngoài và các phe phái trong nước, cộng với những lực lượng khủng bố thừa cơ trỗi dậy.

Frankenstein ở Baghdad là ẩn dụ về thế lực quỷ dữ, hồn nọ xác kia, sinh ra từ sự chắp vá những oan hồn của một nền văn minh cổ đang bị hủy diệt. Đấy là cuộc báo thù không dứt, khi mà các xác chết tiếp tục chồng chất, những mảnh xác ấy chắp vá lại thành một hình hài để đi báo thù cho từng mảnh của mình. Và mỗi khi từng mảnh bị phân hủy tan rữa thì lại có ngay những mảnh khác của những xác chết khác chắp vào, tiếp tục đi báo thù. Ở đó có cả chuyện như đùa: một cơ quan điều tra được thành lập, gọi là Cục Theo dấu và Truy nã, do một viên chuẩn tướng đứng đầu. Dường như bó tay với các hình thức điều tra, ông ta phải huy động vào cơ quan một số thầy bói và nhà chiêm tinh. Nhưng rốt cuộc cơ quan này bị giải tán, thầy bói và nhà chiêm tinh bị sa thải. Tài liệu ghi chép về quá trình làm việc của Cục (hàm ý cuốn tiểu thuyết ta đang đọc) bị coi là tác phẩm không đáng tin cậy và đề nghị truy bắt tác giả để thấm vấn… Một motif bi kịch trong cái vỏ hài kịch, vì đằng sau nỗi đau xót cho một nền văn minh bị hủy diệt là cái cười chua chát thấp thoáng của Ahmed Saadawi, nhà văn đang đau khổ, đang cười, đang viết, ngay chính trên quê hương Baghdad của mình.

Hồ Anh Thái

------

* Frankenstein ở Baghdad, tiểu thuyết của Ahmed Saadawi, Tất An dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2021.

Văn hóa

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”
Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành “kho vàng, kho bạc”. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.