Còn mang tính hình thức, đối phó
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay, đã có đầy đủ các văn bản pháp luật về bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động; có quy định rất chặt chẽ để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn trong hoạt động sản xuất tại các công ty, nhà máy vẫn tồn tại nhiều bất cập.
TS. Lê Vân Trình cho rằng, nếu cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động tại các công ty thì tương đối đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, có những nơi chỉ là "bề nổi", hình thức, còn việc thực hiện lại là vấn đề khác.
Trong khi đó, pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố tai nạn vệ sinh, an toàn lao động. Vì thế, người đứng đầu cần phải thường xuyên đánh giá rủi ro, chỗ nào có nguy cơ tai nạn phải khắc phục ngay.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm kiểm tra, các thiết bị máy móc có thể được đánh giá tốt nhưng một thời gian sau lại không tốt nữa, vì mọi thứ đều có giới hạn hoặc do một số trục trặc, dẫn đến nguy cơ tai nạn nên cần phải đánh giá định kỳ và đề xuất giải pháp phù hợp. Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức của người lao động trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn.
Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp, công ty đều đưa người lao động đi huấn luyện vệ sinh lao động đầy đủ nhưng chất lượng huấn luyện lại là một vấn đề, một dấu hỏi được đặt ra. Theo TS. Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm; chưa chú trọng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Việc huấn luyện vẫn còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động cũng như công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác, quy trình hay biện pháp làm việc. Bên cạnh đó, thời gian tập huấn an toàn vệ sinh lao động cũng là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, song, chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch.
Cần xây dựng quy trình làm việc an toàn
Nhằm giảm thiểu những sự cố thương tâm về tai nạn lao động, TS. Đặng Xuân Trọng nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Người lao động làm việc trực tiếp cần được trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp.
Đặc biệt, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; đồng thời cần bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại cần được bố trí đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ…
Trước đó, tại cuộc họp thông tin về Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, công tác an toàn vệ sinh lao động hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Các chuyên gia cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước còn mỏng, thực hiện chưa triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời... Vì thế, từ vụ việc xảy ra tại Yên Bái, chuyên gia cho rằng, cần rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra các sự cố tương tự ở các cơ sở lao động.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động cũng bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…