Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Phan Thị Nguyệt cho biết, trẻ em mồ côi trên địa bàn được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ kịp thời, hưởng chính sách trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, nên có cuộc sống ổn định và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn, không đủ điều kiện dinh dưỡng để phát triển thể chất, nên thường xuyên bị bệnh, sức khỏe kém, nhất là những trẻ ở vùng nông thôn, biên giới, điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cũng hạn chế.
Ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh đã mở 277 lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp với 16.754 người tham dự. Qua đó, đã nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp và đội ngũ cộng tác viên cơ sở về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em mồ côi nói riêng.
Long An không có chính sách, pháp luật dành riêng cho trẻ em mồ côi do Covid-19, chỉ huy động và vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ. Toàn tỉnh có 141 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19, các em được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tiền mặt, máy tính bảng, học bổng, đồ dùng thiết yếu, tăng cường dinh dưỡng, triển khai thực hiện chương trình Đoàn thanh niên nhận làm em nuôi, nhận đỡ đầu trẻ em bậc tiểu học đến 18 tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động nuôi sữa cho các trẻ mồ côi dưới 6 tháng tuổi là F0 đến khi các cháu đủ 6 tháng tuổi, các địa phương vận động người thân, hàng xóm chăm sóc thay thế, nhận làm mẹ đỡ đầu.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An đánh giá, mức trợ cấp cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại các cơ sở trợ giúp xã hội cũng như tại cộng đồng hiện nay vẫn còn thấp không bảo đảm đủ điều kiện dinh dưỡng và phát triển của trẻ, nhất là những trẻ ở vùng nông thôn, biên giới thì đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại bỏ trẻ từ nhỏ (không quay trở về thăm nom hay nuôi dưỡng) được người thân nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ.
Sở kiến nghị, cần xây dựng chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho trẻ mồ côi, nhất là trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các em vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất. Tăng cường vận động nguồn lực đóng góp Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ mồ côi.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi, trong đó có trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải nắm chắc số liệu, không bỏ sót đối tượng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho các em.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng yêu cầu việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi cần lồng ghép chung trong kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm. Sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Các kiến nghị của Sở sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ.
+ Cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Cần Giuộc về thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi; thăm và tặng quà Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ hôi huyện Cần Giuộc và Mái ấm An Lạc.