Luật Giá được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Trong thời gian qua, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Sau gần 10 năm thực hiện Luật Giá, bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý điều hành giá dẫn đến phát sinh một số tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Các đại biểu dự Hội thảo nêu rõ, việc xây dựng Luật Giá (sửa đổi) là cần thiết để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại diện các bộ, ngành, chuyên gia tập trung thảo luận về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thẩm quyền ban hành danh mục bình ổn giá, tính pháp lý của kết quả thẩm định giá...Các đại biểu đề nghị, phạm vi điều chỉnh của dự luật cần thiết kế lại để bảo đảm tính logic, xác định rõ phạm vi hoạt động của Nhà nước cũng như phạm vi sản xuất, kinh doanh, hoạt động có sự tham gia của các đối tượng ngoài Nhà nước; phân định rõ hơn chủ thể được Luật Giá điều chỉnh, bảo đảm tính đầy đủ và bao quát.
Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi các điều về thẩm quyền cần được đánh giá kỹ tác động. Đẩy mạnh hơn cơ chế phân quyền cho các cơ quan, các cấp, bảo đảm tính đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực cũng như tính thống nhất trong quản lý nhà nước. Quy định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giá trong tham gia xây dựng pháp luật, phương pháp định giá và cách định giá dịch vụ nhà nước. Bổ sung nội dung ứng dụng công nghệ thông tin về giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về giá. Làm rõ nguyên tắc, mối quan hệ giữa hai phương pháp định giá; phương pháp được ưu tiên khi có xung đột giữa hai phương pháp.
Một số ý kiến đề nghị từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, nên để thị trường và các doanh nghiệp tự quyết định. Nhà nước chủ yếu giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ pháp luật về giá, ngoại trừ những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải trực tiếp tác động.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, từ đó tập trung đánh giá, phân tích và tiếp thu đầy đủ, toàn diện và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.