“Văn Cao có “suối mơ”, tôi có… suối thực”
- Cuộc sống hiện tại của ông thế nào, sau khi rời Hà Nội về “ở ẩn” nơi sơn cước?
- Vui lắm: Sáng tản bộ, chiều vẽ tranh, tối thưởng trà làm thơ... Tôi vẫn hay nói vui: Đời ông Văn Cao có “suối mơ”, còn đời tôi thì có suối thực. Vì gia trang của tôi được dựng ngay cạnh một dòng suối nhỏ của huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Đang sống ở Hà Nội đông đúc, được chuyển lên sống giữa một không gian rừng núi thoáng đãng, thấy cuộc sống bình dị vô cùng.
Vào cuối tuần, ngôi nhà với nhiều cánh cửa lúc nào cũng rộng mở lại đón rất nhiều bạn bè từ Hà Nội về chơi. Rồi hơn chục đứa con và đàn cháu nội ngoại, các bạn của con… kéo về đốt lửa trại, reo hò đến vỡ đồi. Bạn bè vẫn ganh tị với tôi và nói rằng không phải ai cũng có diễm phúc như Văn Thao, sống cuộc đời an nhiên, tự tại…
- Đã ai nói với ông những ngày qua, các sáng tác của cha ông liên tục được nhắc đến, đặc biệt là xuất hiện trong bài diễn văn của Tổng thống Obama?
- Vài ngày trước, có một nhóm người của Đài Truyền hình về gia trang của tôi để quay phóng sự, chụp ảnh các kỷ vật về cha tôi đang được lưu giữ ở đây. Rồi mời gia đình về Hà Nội để ghi hình cho chương trình “Giai điệu tự hào” để nói về cuộc đời, âm nhạc và tình bạn của Văn Cao và Phạm Duy. Còn việc kia thì tôi chưa biết. Quả thực khi chọn cuộc sống ở đây, tức là tự mình đã “đóng cửa” với những ồn ào bên ngoài rồi. Thỉnh thoảng ai gọi điện hỏi thăm, kể chuyện gì thì biết chuyện đó.
- Ông đã biết về việc ca sĩ Mỹ Linh làm mới “Tiến quân ca” chưa?
- Mấy hôm rồi có nhiều người hỏi tôi về việc này. Nhưng tôi chưa được nghe Mỹ Linh hát ra sao, nên không phán xét việc cô ấy hát hay dở thế nào. Đó là do cái tai và sự cảm thụ của mỗi người. Còn nếu quả thực Mỹ Linh hát Quốc ca được cha tôi viết theo nhịp hành khúc, hào hùng mà thành ra mềm mại như mọi người nói, thì cho tôi nghe, tôi cũng không nghe.
- Vì sao ông không sẵn lòng?
- Khi viết Tiến quân ca, cha tôi chỉ nghĩ viết một ca khúc đơn giản, dễ hát, để động viên chiến sĩ ra chiến trường, vì vậy ông dùng nhịp hành khúc. Khi chứng kiến khoảnh khắc hàng nghìn người đứng trước quảng trường Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 để hát vang ca khúc của mình, cha tôi từng khóc và nói: “Từ giờ, Tiến quân ca không phải là ca khúc của tôi nữa, nó là của nhân dân, đất nước này”. Nói thế đủ thấy ông tâm đắc và trân trọng ca khúc đến thế nào.
Đến nay nó đã tồn tại hơn 70 năm và trở thành quốc hồn của dân tộc. Để được chọn làm Quốc ca thì bản thân bài hát đã tự làm nên giá trị của nó, tự nó đã có sức sống nên không cần làm mới hay thay đổi gì. Có nhiều ca khúc để làm mới, sao lại cứ lấy những gì thuộc về hồn cốt ra để thử nghiệm? Những gì ở trong trái tim của mọi người rồi, theo tôi thì đừng nên làm khác đi.
- Thủ tục hiến tặng tác quyền “Tiến quân ca” theo nguyện vọng của cố nhạc sĩ Văn Cao hiện đã được tiến hành đến đâu rồi, thưa ông?
- 70 năm qua gia đình tôi chưa bao giờ đòi tác quyền của Quốc ca và cũng chưa nơi đâu trả tiền khi hát ca khúc này. Theo ý nguyện của cha tôi, gia đình đã đồng thuận hiến tặng Quốc ca cho nhân dân Việt Nam và Nhà nước. Thông qua sự kết nối của Bộ VH, TT - DL, gia đình tôi đã làm bản hiến tặng, trình bày trước Quốc hội ý nguyện này của cha tôi.
Túc tắc viết hồi ký về Văn Cao
- Là nhà thơ, họa sĩ và cả hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nữa, nhưng dường như ông vẫn âm thầm đi trong dòng chảy của nghệ thuật?
- Dù sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật nhưng con đường đến với thơ văn của tôi khá muộn. Mãi đến năm 1995, sau ngày bố tôi qua đời, “đứa con tinh thần” đầu tiên của tôi mới được hoàn thành và ra mắt độc giả, có tên “Trái muộn”. Tôi không thích sự cầu kỳ, rắc rối, đánh đố người đọc, nên câu chữ của tôi cũng giản dị như con người tôi.
Sau đó tôi chuyển sang vẽ tranh, nhưng không phải ai cũng sống được bằng nghệ thuật, vẽ gì thì vẽ, cũng phải nghĩ có bán được hay không. Trong tập thơ thứ hai “Mảnh trời qua ô cửa” in năm 1997 của tôi có dòng tiêu đề: “Khát vọng lang thang đọng lại một thời/ Có nhiều điều không dễ gì viết nổi”. Vì thế, đến tuổi ngũ thập, tôi đã quyết định chọn vùng núi này là trại sáng tác cuối đời của vợ chồng tôi, không mơ mộng viển vông mà tự tạo một cõi sống riêng cho mình giữa chốn “thiên thai”.
- Ông còn giữ ý định viết hồi ký về cha mình, như từng chia sẻ?
- Tôi vẫn đang thực hiện. Tôi là con trưởng, được chứng kiến hầu hết những bước thăng trầm của cha, bản thân tôi cũng chịu nhiều nỗi đau từ những biến cố trong cuộc đời của ông. Văn Cao không muốn viết hồi ký, nhưng lúc sinh thời, ông từng gợi ý tôi viết hồi ức về cha.
Những lúc cô đơn, cha tôi thường coi tôi như là nơi để giãi bày nỗi lòng của mình. Vì gần cha, nên tôi biết nhiều chuyện về ông và có nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời ông. Tôi đã tìm gặp cả những người phụ nữ đã từng yêu cha tôi. Nghe họ kể lại, tôi xúc động thấy rằng, cha tôi đã sống nhân từ, điềm đạm và “nhẫn” đến thế. Tôi viết là cũng để thấy mẹ mình là người đặc biệt với cha mình đến thế nào.
- Ông có biết vì sao cha ông không muốn viết hồi ký không?
- Khi cha tôi còn sống, ông từng từ chối lời mời viết hồi ký, dù khi đó nghe nói là được hỗ trợ kinh phí nọ kia. Ông bảo tôi: “Khi người ta phải viết hồi ký, tức là người ta đã ý thức mình không còn tiếp tục công việc sáng tạo được nữa, vì dễ động chạm đến nhiều người. Hơn nữa, lại thường là thanh minh cho mình. Tất cả cuộc đời cha nằm ở tác phẩm rồi nên không cần hồi ký nữa”.
- Vì lý do đó mà cuốn sách được lên ý tưởng từ chục năm nay vẫn chưa có cơ hội ra mắt?
- Còn một lý do khác: Mẹ tôi rất yêu cha tôi, nên bà không thấy thoải mái khi tôi muốn đưa ra những chuyện tình cảm ngày xưa của ông. Có người còn yêu cầu tôi chờ đến lúc họ mất rồi hãy nói ra câu chuyện này. Những e dè đó cũng làm tôi rất khó xử, nên cứ lần lữa mãi.
Nhưng tôi cho rằng, không thể không kể tới những mối tình ấy, khi nó chính là nguồn cảm hứng để ra đời những tuyệt phẩm của Văn Cao. Trời cho sức khỏe thì tôi vẫn túc tắc viết, túc tắc lần tìm quá khứ để tái hiện bức chân dung chân thực nhất về đời và nghiệp của cha mình…
- Cảm ơn họa sĩ đã chia sẻ!