Chiều 18.10, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm dự án "Trường học hạnh phúc" năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng năm học 2023-2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, dự án thí điểm năm đầu tiên đã được triển khai bắt đầu từ tháng 08.2022 với việc tập huấn và nâng cao năng lực, tri thức và thực hành về giáo dục cảm xúc xã hội ch
Phòng GD-ĐT, đơn vị đối tác và các trường đều hướng đến mục tiêu là nhóm giáo viên nòng cốt được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và các phương pháp để ứng dụng ở cấp độ cá nhân, sau đó ứng dụng vào lớp học của mình, và lan tỏa ra toàn trường.
Theo ông Thuận, sau một năm thí điểm,với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo UBND quận, sự nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ điều phối ELI tại Hà Nội, sự hưởng ứng, đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nòng cốt các trường giai đoạn 1, chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ: có thể nhìn thấy sự chuyển hoá ở nhiều thầy, cô tham gia tập huấn và những thay đổi tích cực trong cộng đồng các nhà trường tham gia dự án.
Theo báo cáo Kết quả triển khai thí điểm dự án "Trường học hạnh phúc" tại quận Ba Đình năm học 2022-2023, quận thí điểm triển khai dự án tại 3 trường gồm Tiểu học Phan Chu Trinh, THCS Nguyễn Trãi và Trường TH,THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục. Tổng có 49 giáo viên nòng cốt và 600 học sinh tham gia các tiết dạy của dự án.
Trong một năm thực hiện dự án "Trường học hạnh phúc", Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã phối hợp cùng 3 trường thí điểm tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến bao gồm: 01 chuyên đề tập huấn học phần I và II tại Khu giáo dục trải nghiệm; 05 chuyên đề trực tiếp tại các nhà trường; 08 buổi học online; 06 buổi dự giờ trực tiếp tại các trường; 01 sự kiện quốc tế về Trường học hạnh phúc; 01 chuyên đề về giáo dục đặc biệt.
Phòng GD-ĐT đã phối hợp với đơn vị đối tác, nhóm chuyên gia đánh giá của Viện Khoa học giáo dục tiến hành hoạt động đánh giá đầu vào với học sinh, giáo viên và phụ huynh của 03 trường thí điểm thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và chọn mẫu ngẫu nhiên đối tượng được đánh giá (mỗi trường chọn ngẫu nhiên từ 20-30 người).
Kết quả khảo sát cho thấy sự chuyển hóa về mặt nhận thức, chuyển hóa trong hành vi, lời nói, giao tiếp, cảm xúc, chuyển hóa về tinh thần học tập tự thân. Giáo viên và phụ huynh hiểu hơn về sự đồng cảm, hiểu được điều quan trọng để duy trì các mối quan hệ tốt, học được kỹ năng lắng nghe và các cấp độ lắng nghe, phân biệt giữa nhu cầu và yêu cầu, hiểu hơn về lắng nghe sâu, lắng nghe không góp ý hoặc đưa ra lời khuyên, học cách nhìn nhận các hành động không phán xét...
Cũng theo báo cáo kết quả triển khai thí điểm dự án "Trường học hạnh phúc" tại quận Ba Đình năm học 2022-2023, 100% giáo viên của các trường nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của dự án với sự phát triển bền vững của nhà trường. Các thầy cô giáo ngày càng nâng cao ý thức và kỹ năng quản lí cảm xúc khó, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp.
Học sinh được tiếp cận và trao nhiều cơ hội được khẳng định bản thân hơn; được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Qua đó học sinh trở nên tự tin và mạnh dạn hơn.
Phụ huynh học sinh có cơ hội kết nối sâu sắc hơn với nhà trường. Bên cạnh đó tích luỹ thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong nắm bắt tâm lý con em mình; có thái độ, cách ứng xử phù hợp, tâm lý với con.
Bầu không khí trong các nhà trường, lớp học được cải thiện theo hướng tích cực, có sự đồng cảm, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau trong mọi khía cạch. Quan hệ thầy - trò và quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh đã có sự hiểu - chia sẻ và đồng hành thông qua các hoạt động kết nối và truyền thông của trường.
Tiếp nối những thành công sau 1 năm triển khai dự án "Trường học hạnh phúc", bước sang giai đoạn 2 năm học 2023-2024, Phòng GD-ĐT Ba Đình tiếp tục đưa dự án vào hoạt động của 4 trường gồm: Trường THCS Thống nhất, Trường THCS Phúc Xá, Trường Tiểu học Thành Công A và Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba.