Tới dự buổi lễ có Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Văn Hiệu cùng lãnh đạo các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, lãnh đạo các đơn vị sử dụng lao động; Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các thế hệ thầy trò ngành Hán Nôm – Khoa Văn học qua các thời kỳ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng tới buổi lễ.
Tại buổi lễ, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội đã ôn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của ngành Hán Nôm – Khoa Văn học.
Theo đó, đầu những năm 70 của thế kỷ 20, lịch sử chứng kiến dân tộc Việt Nam đang ở trong những thời khắc cam go nhất của cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc và lịch sử cũng chứng kiến sự ra đời của một ngành học đặc biệt: ngành Hán Nôm.
Sự ra đời của ngành đào tạo văn hiến cổ điển Việt Nam trong những năm bom đạn đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn xa rộng của Đảng và Nhà nước, rằng tự chủ về văn hóa cũng quan trọng như độc lập về chủ quyền. Tự chủ về văn hóa được xây dựng trên nhận thức về nguy cơ gián cách với văn hóa truyền thống.
Tự chủ về văn hóa cũng được xây dựng bởi thái độ trân trọng văn hóa dân tộc và di sản Hán Nôm mà ông cha ta để lại, bởi ai ai trong chúng ta đều biết rằng: ông cha ta dùng chữ Hán qua nhiều nghìn năm lịch sử, các di sản văn tự đều ở thể loại Hán văn hoặc chữ Nôm.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn đã nhắc và ghi nhớ công ơn của những nhà giáo tài năng và đức độ đặt viên gạch đầu tiên cho chặng đường phát triển 50 ngành Hán Nôm Việt Nam như giáo sư Cao Xuân Huy, Đinh Gia Khánh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Bùi Duy Tân, Nguyễn Đình Thảng, Lê Văn Quán, Đinh Trọng Thanh…
Cho đến nay, ngành Hán Nôm - Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trở thành một trong những cơ sở đầu ngành đào tạo đại học, sau đại học về Hán Nôm trong cả nước. Ngành Hán Nôm đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hóa xã hội, làm cầu nối văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ về thông tin và xu hướng xã hội hóa của giáo dục, ngành Hán Nôm tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mới gắn với sự cạnh tranh của các ngành đào tạo mang tính ứng dụng, dễ dàng hội nhập với xã hội hiện đại hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng trong vai trò là ngành học bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, là ngành học bồi đắp cội rễ văn hóa của quốc gia, ngành Hán Nôm nói riêng và các ngành khoa học cơ bản nói chung, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ý thức được rằng: Hán Nôm là một trong những ngành học mang tính “đặc sản” của Nhà trường.
Việc phát triển ngành học này, đưa ngành học đến gần hơn với đời sống xã hội đương đại để góp phần kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với con người hiện tại, không chỉ là trách nhiệm nhìn từ phương diện quản lý đào tạo của Nhà trường, mà hơn hết còn thể hiện trách nhiệm quốc gia của một đơn vị đào tạo hàng đầu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong cả nước”.
Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cam kết sẽ dành cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, mang tính đặc thù của Trường, trong đó có ngành Hán Nôm sự quan tâm và đầu tư tương xứng nhất, để ngành Hán Nôm tiếp tục duy trì và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi đầu trong hệ thống không nhiều các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Hán Nôm tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui trước sự phát triển của ngành Hán Nôm; sự quan tâm của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và xã hội với ngành; đặc biệt là sự phát triển của lực lượng những người làm nghiên cứu trong lĩnh vực Hán Nôm, có được những chuyên gia đủ sức đối thoại ở tầm quốc tế, khu vực…
Theo Bộ trưởng, hiện nay mục tiêu quan trọng của ngành Giáo dục là phát triển con người, phát triển nhân cách, đạo đức, tố chất văn hóa của con người Việt Nam. Con người trong tương lai phải bền chắc ở những giá trị cốt lõi, sống lương thiện, có văn hóa, có bản sắc.
Để tạo dựng nền giáo dục cho con người Việt trong tương lai như vậy, những lĩnh vực mang đậm giá trị nhân văn, gắn chặt với kiến tạo giá trị cốt lõi của đạo đức, nhân văn, của nghệ thuật,… có ý nghĩa quan trọng. Những người nghiên cứu xã hội nhân văn nói chung, đặc biệt là nghiên cứu về Hán Nôm, đang tiếp cận với toàn thể kí ức của dân tộc, di sản của dân tộc.
Đặt vấn đề phát triển ngành Hán Nôm, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục tư duy ở tầm chiến lược để phát triển cho ngành; tiếp tục gửi người đi đào tạo và đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển của nghiên cứu học thuật của ngành trong tương lai.
Thế “chân vạc” được Bộ trưởng nhắc đến để phát triển ngành Hán Nôm nói riêng, lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nói chung, là con người, phương pháp và tư liệu; trong đó nội dung tư liệu về Việt Nam, trong đó có tư liệu về Hán Nôm được Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng mong tiếp nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu của những người làm chính sách về văn hóa với lĩnh vực quan trọng này. Mong phía ngành, khoa Văn học, bộ môn tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, tiếp tục đổi mới từng môn học và Hán Nôm cần thiết phải là nơi tiên phong trong hiện đại hóa cả nghiên cứu và đào tạo…
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Hán Nôm, Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng như trưng bày thư pháp và giao lưu thư pháp Hán Nôm của sinh viên và cựu sinh viên; Trưng bày hình ảnh chân dung các nhà giáo; các thành tựu đào tạo, nghiên cứu khoa học; hình ảnh hoạt động của cán bộ, sinh viên, cựu sinh viên ngành Hán Nôm; Toạ đàm khoa học Nâng cao chất lượng trong xây dựng và vận hành chương trình đào tạo ngành Hán Nôm; Tổ chức cuộc thi viết Hán Nôm trong tôi cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn…
Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là một cơ sở đào tạo ngành Hán Nôm có uy tín trong toàn quốc, đào tạo ngành Hán Nôm ở cả ba bậc học Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ; có sứ mệnh tiên phong trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức Hán Nôm cho các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, bảo tồn di sản truyền thống và quản lý văn hóa...
Đồng thời, ngành Hán Nôm còn đi đầu trong việc khai thác, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm và các vấn đề khác liên quan tới Hán Nôm.
Thành tựu đào tạo và nghiên cứu của ngành Hán Nôm đã góp phần gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ quá khứ, giúp các thế hệ hiện tại và tương lai tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông, qua đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng xã hội hiện tại. Đó là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.