Trường Đại học Ngoại thương vừa tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường hợp tác để phát triển hoạt động khoa học và công nghệ”.
Chú trọng xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu khoa học
Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, trong những năm qua, Trường Đại học Ngoại thương luôn chú trọng xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức cho cộng đồng.
Với tầm nhìn trở thành đại học đổi mới sáng tạo, sứ mạng “phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức”, nhà trường đã tăng cường kết nối với các đối tác là nhiều cơ quan, tổ chức, các bộ, ban, ngành, địa phương trên toàn quốc; nhiều hiệp hội, mạng lưới nghiên cứu cùng nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
Từ đó, xây dựng mô hình hợp tác phù hợp với từng nhóm đối tác, nhằm phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, kiến tạo và chuyển giao tri thức.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã biểu dương 3 điểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Ngoại thương thời gian qua.
Thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương đã xác định rõ 4 định hướng nghiên cứu lớn, bao trùm và gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các chương trình nghiên cứu được triển khai là một chính sách đột phá của nhà trường.
Thứ hai, các nghiên cứu của nhà trường có định hướng ứng dụng rõ nét, gắn với thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn. Nhiều đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu được các cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp đặt hàng, phối hợp triển khai và ứng dụng kết quả vào thực tiễn. Nhiều mô hình hợp tác và chuyển giao tri thức có hiệu quả cho doanh nghiệp đã được xây dựng.
Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp mà nhà trường đã triển khai từ khi Covid-19 xuất hiện tới nay là ví dụ điển hình của mô hình chuyển giao tri thức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, hệ sinh thái khoa học và công nghệ của nhà trường ngày càng được hoàn thiện với mạng lưới đối tác trong và ngoài nước được mở rộng, giúp các nguồn lực được huy động hiệu quả.
Thứ tư, số lượng công bố nghiên cứu khoa học tăng nhanh với chất lượng công bố ngày càng cao. Nhiều hội thảo trong nước và quốc tế có uy tín và ảnh hưởng đã được tổ chức.
Cùng tham dự buổi lễ, ông Hoàng Hoa Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT gửi lời chúc mừng các thành tích khoa học và công nghệ đã đạt được của Trường Đại học Ngoại thương, mong nhà trường tiếp tục phát huy, đạt kết quả tốt hơn trong những năm tới.
Ông Cương cũng đề nghị Trường Đại học Ngoại thương phấn đấu để trở thành một trung nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, hướng tới chuyển giao tri thức cho cộng đồng, xã hội.
Ra mắt và kích hoạt Cổng Sách điện tử
Trong buổi lễ kỷ niệm, lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương đã trao tặng quyết định khen thưởng tới các tập thể và cá nhân đạt thành tích nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ năm học 2021 - 2022 gồm: 6 đơn vị có số giờ nghiên cứu khoa học trung bình trên mức 1.500 giờ/giảng viên/năm học; 3 Câu lạc bộ sinh viên Nghiên cứu khoa học.
Trường Đại học Ngoại thương cũng trao tặng khen thưởng tới TS Phương Tố Tâm và TS Văn Thị Minh Huyền, 2 giảng viên của trường là đồng chủ biên sách “Human Resource Development in Vietnam: Research and Practice”, được xuất bản trong năm học 2021-2022, nhà xuất bản Springer Nature, nằm trong cơ sở dữ liệu Scopus.
Cuốn sách này đã nhận Giải thưởng “R. Wayne Pace HRD Book of The Year 2021” của Tổ chức Phát triển Nguồn Nhân lực toàn cầu (Academy of Human Resource Development – AHRD).
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, Trường Đại học Ngoại thương sáng kiến triển khai thực hiện dự án FTU Working Paper Series (FWPS) - nơi công bố các kết quả nghiên cứu bước đầu của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh nhà trường.
Các công trình nghiên cứu có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với giảng viên. Bài viết được công bố tại FWPS thuộc các lĩnh vực đào tạo của Nhà trường bao gồm kinh tế, kinh doanh, quản trị, tài chính, ngân hàng, luật, ngôn ngữ và các lĩnh vực liên ngành khác.
Điểm nhấn của buổi lễ là phần ra mắt và kích hoạt Cổng Sách điện tử của Trường Đại học Ngoại thương.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chủ trương phát hành các giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng dưới dạng sách điện tử.
Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp cùng Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xây dựng Cổng sách điện tử để thực hiện mục tiêu thứ 4 trong Chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040.
Theo đó, đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại, học liệu phong phú và cập nhật, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và chuyển đổi số.
Cổng Sách điện tử cũng được triển khai để tăng cường ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa đọc và lan toả tri thức phục vụ cộng đồng. Cổng Sách điện tử Trường Đại học Ngoại thương có 2 chức năng chính, gồm phát hành (dưới hình thức điện tử) và cho mượn - mượn đọc.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong các hoạt động khoa học và công nghệ” đã được tổ chức.
Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương và đại diện các doanh nghiệp cùng thảo luận về tiềm năng, kết quả và đề xuất việc tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao tri thức giữa hai bên.