Chất lượng dạy và học giữ vai trò then chốt trong nhà trường
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Đường Xuân Tùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho biết, trong suốt 10 năm qua, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội luôn kiên định mục tiêu lấy chất lượng dạy và học giữ vai trò then chốt; xây dựng môi trường làm việc và học tập năng động hiệu quả, với thái độ phục vụ thân thiện.
Chính vì vậy, nhà trường đã đào tạo trên 10.000 lao động ngành Dược và Y chất lượng cho đất nước. Trong đó, 98 % sinh viên ra trường đều có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Cùng với các mô hình đào tạo của trường bao gồm: mô hình viện - trường, trường học – nhà thuốc, trường học – doanh nghiệp sản xuất đã được áp dụng hiệu quả. Chất lượng sinh viên của cao đẳng dược Hà Nội luôn được các bệnh viện, doanh nghiệp đánh giá cao.
“Trong giai đoạn phát triển mới, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cần phải có nhiều đổi mới về chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; cách thức quản lý; tăng cường liên kết mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước về đào tạo, sản xuất, phân phối về dược.
Nhà trường sẽ luôn tích cực tạo môi trường học tập năng động, thực chất và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường”, ThS. Đường Xuân Tùng nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho biết, hội thảo đi sâu vào công tác đánh giá được tính hiệu quả trong chương trình đào tạo ngành dược tại cao đẳng dược Hà Nội giai đoạn 2020-2023.
Trên cơ sở đó có những đề xuất bổ sung, điều chỉnh về khung, nội dung chương trình đào tạo giai đoạn 2024-2030 tại trường cao đẳng dược Hà Nội theo hướng tăng trải nghiệm thực tế, khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo cho sinh viên.
Đồng thời, qua hội thảo tạo cơ hội, triển vọng kết nối, hợp tác theo mô hình 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường.
Báo cáo về công tác đào tạo ngành dược tại nhà trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội - ThS. Nguyễn Thế Lực cho biết, hiện nay, chương trình đào tạo gồm 95 tín chỉ.
Thông qua hội thảo lần này, nhà trường mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp và sinh viên, trên cơ sở đó xấy dựng chương trình đào tạo theo định hương: Dược sĩ khởi nghiệp, Dược sĩ nhà thuốc.
Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, nhà trường đã trang bị nhiều máy móc, phương tiện trợ giảng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp, công nghệ dạy học nhằm trang bị kiến thức và khả năng thực hành cho sinh viên ra trường, đáp ứng tốt nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, các kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở ngành được tích hợp ở mức độ hợp lý, logic với kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chí từng môn học. Đồng thời, mỗi môn học đáp ứng một mức nhất định trong khung chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Phát triển chương trình đào tạo theo hướng tích cực, gắn kết doanh nghiệp
Tại hội thảo, ThS. Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, đánh giá cao những nỗ lực của tập thể thầy và trò Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.
Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, yêu cầu nhà trường cần phải mạnh dạn đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển tích cực của yêu cầu về trình độ lao động trong xã hội, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có chuyên môn sâu, có năng lực sư phạm giỏi.
Mỗi thầy, cô giáo trong nhà trường cần có tư duy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào giảng dạy nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
ThS. Đỗ Văn Giang cho hay, nhà trường cần khai thác triệt để cơ sở vật chất hiện có. Thường xuyên cập nhật kiến thức, khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại đưa vào chương trình giảng.
Thực hiện đánh giá định kỳ về trang thiết bị và phương tiện giảng dạy để đảm bảo rằng chúng đáp ứng đúng nhu cầu của chương trình đào tạo và không lạc hậu so với tiến bộ công nghệ.
Đồng thời, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động nhằm cho sinh viên trải nghiệm thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp để nâng cao đào tạo thực hành.
Theo PGS.TS Phan Tuý - Nguyên Bí thư Đảng bộ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, để xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả, nhà trường cần chú ý đào tạo chuẩn đầu ra, kĩ năng mềm cho sinh viên.
Ngoài ra, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng và xu hướng thị trường lao động. Từ đó, mở rộng chương trình thực tập, dự án liên kết, khóa học do doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy để sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức trong môi trường thực tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến góp ý về việc điều chỉnh, xây dựng các chương trình đào tạo hiện hành của trường. Việc này nhằm bước đầu xây dựng các mô – đun kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, gắn kết doanh nghiệp để phục vụ công tác đào tạo của trường về các hoạt động trải nghiệm thực tế, kiến tập, thực tập.
Năm học 2023-2024, với chủ đề “Bứt phá và phát triển”, Ban Giám hiệu nhà trường xác định bứt phá từ công tác quản lý đến giảng dạy và chất lượng đào tạo; bứt phá từ cơ sở vật chất đến thái độ phục vụ; bứt phá trong hợp tác quốc tế để hội nhập và phát triển toàn diện.
Đây cũng là năm học đặc biệt, chào đón 10 năm xây dựng và phát triển của thầy và trò Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.
Trường Cao đẳng Dược Hà Nội phấn đấu xây dựng, trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín hàng đầu ở trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ngành y dược, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sinh viên và nhu cầu xã hội.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: