Mãi mãi tuổi 20…
Đã chẳng thể nhớ rõ bao lần về với Truông Bồn? Vậy mà mỗi dịp trở lại mảnh đất một thời hoa lửa này, ai trong chúng tôi cũng có những cảm xúc khó tả. Chợt nghĩ: giá như…? Giá như tháng Mười năm ấy không có ngày 31?
Với chất giọng miền Trung trầm ấm, truyền cảm hòa vào cảm xúc trào dâng, thuyết minh viên tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn một lần nữa đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở về quá khứ hào hùng, để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh thấm đẫm biết bao máu xương của các chiến sĩ… Đó là một buổi sáng đặc biệt 31.10.1968, các đơn vị nhận được mật lệnh bảo đảm thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng, mọi người hồ hởi, náo nức ra trận địa. Khi công việc sắp hoàn thành, bất ngờ, những tốp máy bay gầm rú, lao tới oanh tạc Truông Bồn. Những tiếng nổ xé toang cả bầu trời, mặt đất rung chuyển, đội hình Tiểu đội 2 đã không kịp rút về hầm trú ẩn, lập tức bị vùi nát dưới trận bom dữ dội, đồng đội chưa kịp ứng cứu thì những loạt bom vẫn liên tục giội xuống. Đoạn đường chỉ có chiều dài 120m này đã phải hứng chịu 170 quả bom tàn phá.
Mặc khói bom nồng nặc, mặt đất bốc cháy, đồng đội lao ra tìm kiếm, từng lớp đất, hòn đá được lật tung, may mắn tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sĩ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không nguyên vẹn... Gạt nước mắt, đồng đội gom về những mẩu xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết được của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung.
Không nghẹn lòng sao được, khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Chỉ ngày mai thôi, 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Bao nhiêu dự định còn dở dang, bao nhiêu ước mơ chưa thành hiện thực... Người sẽ lên đường nhập học, người trở về với vòng tay gia đình và đặc biệt, chị Nguyễn Thị Tâm, anh Cao Ngọc Hòa sẽ được làm cô dâu, chú rể trong một đám cưới mà cả hai đợi chờ: Đường làng tháng Giêng dài ra hút tắt/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu… Vì "huyết mạch" Truông Bồn, các anh, các chị vẫn cầm súng, cuốc, xẻng làm nhiệm vụ. Bởi với họ, tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc…
Ánh nắng trở nên gay gắt, những vạt mây như bị xua đi chỉ để lại bầu trời xanh ngắt. Không gian Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn hiện ra linh thiêng, tĩnh mịch như thể lắng nghe được tiếng cỏ cây thầm thì, tiếng lòng rưng rưng, thổn thức của những lớp người ở lại… Bước thật khẽ lên từng bậc tam cấp, chúng tôi gặp khu mộ chung tại Khu Di tích với tấm bia đá khổng lồ khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sĩ TNXP: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa. Các anh, các chị đã mãi mãi dừng lại ở độ tuổi mười tám, đôi mươi... Vì "huyết mạch" Truông Bồn, 13 cuộc đời, 13 tuổi thanh xuân, 13 ước mơ và khát vọng ấy đã mãi nằm lại trong lòng đất mẹ sau khi hiến dâng trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc, viết lên một huyền thoại cho mảnh đất linh thiêng này.
Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết. Họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc. Máu, mồ hôi và thanh xuân của họ đã hòa quyện nơi đất thiêng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Để rồi, mỗi chuyến hành hương về nơi đây, chúng tôi càng thấm thía giá trị của mỗi ngày đang sống và cũng thêm hiểu sâu sắc hơn về tâm thế của những thế hệ tuổi trẻ trong chiến tranh qua những câu thơ chân thật, nhẹ nhàng của nhà thơ Thanh Thảo: Những tuổi 20 làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc…
Huyền thoại thiêng liêng, bất tử
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, khói hương dường như chưa bao giờ tắt nơi chiến địa xưa… Đến thăm và thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ tại đây, anh Nguyễn Văn Chiến (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chia sẻ: tháng Tư năm nào, chúng tôi cũng ghé Truông Bồn thắp nén nhang kính dâng lên các Anh hùng Liệt sĩ. Nhiều lần nghe các thuyết minh kể chuyện về những Liệt sĩ Truông Bồn, nhưng lần nào cũng xúc động, trào dâng nước mắt... Chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của các anh, các chị, những bậc tiền nhân đã cống hiến tuổi xuân và máu xương của mình vì độc lập tự do của dân tộc, và nguyện ra sức học hành, phấn đấu, cống hiến tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh để không phụ công lao của các thế hệ đi trước...
Còn em Phan Khánh An (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) thì xúc động: “được sinh ra và lớn lên trong thời bình, em cảm thấy mình thật may mắn... Qua những câu chuyện về Truông Bồn, bản thân càng thêm biết ơn trước những hy sinh thầm lặng của cha ông. Ông cha ta đã có công giữ nước, là người trẻ, em càng thấy có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang đó”.
Hòa cùng dòng người hành hương về thăm lại địa chỉ đỏ, chúng tôi gặp chị Nguyễn Tâm (Hà Nội). Không giấu được niềm xúc động, chị Tâm bày tỏ: về Truông Bồn tôi cứ muốn ở lại thật lâu, chân không muốn bước, lòng mãi nghẹn ngào. “Tôi rất tự hào khi được đặt chân tới mảnh đất linh thiêng, nơi các bác, các cô đã hy sinh tuổi xuân và cả tính mạng của mình để chiến đấu cho Tổ quốc giành lại độc lập tự do. Mặc dù giữa mưa bom bão đạn, giữa sự sống và cái chết, nhưng các anh, các chị làm nhiệm vụ ở đây vẫn sẵn sàng xả thân để hoàn thành mọi nhiệm vụ, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam…”, chị Tâm chia sẻ.
Những câu chuyện về năm tháng chiến tranh khốc liệt ngày ấy cùng mùi hương trầm hòa trong không gian thiêng liêng đã khiến thời gian như ngưng đọng… Lần giở từng trang sổ vàng tại Khu di tích, chúng tôi hiểu rằng, mỗi đoàn khách tham quan khi đặt chân đến mảnh đất này đều nghẹn ngào xúc động trước sự hy sinh và tinh thần dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc của các chiến sĩ TNXP… Đặc biệt, những dòng bút tích của một du khách người Mỹ, ký tên là Alfred Postell: "Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại xúc cảm mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên"!
Chiến tranh đã lùi xa. Con đường 15A lịch sử nay đã được mở rộng, hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều hơn, một nhịp sống phố thị đang dần hiện hữu nơi đây như khỏa lấp đi cái nắng gió, sự khốc liệt trụi trơ của chiến tranh... Đặc biệt, bằng tấm lòng tri ân của cả nước, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay đã được xây dựng lại bề thế, khang trang, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các chị, các anh… Cho những thanh xuân nằm lại vào ngày 31.10!
“Kế thừa và phát huy truyền thống Xô viết anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, phát triển vững chắc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân… sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn…”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ.
Chia tay Truông Bồn trong nắng vàng rực rỡ, một màu xanh tươi mát tràn đầy sức sống ở Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn đang dần hiện hữu bởi những hàng cây cổ thụ do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An và các ngành… trồng lưu niệm. Những hàng cây, những tấm lòng tri ân đó góp phần làm nên một Truông Bồn mãi xanh... "Truông Bồn ngày ấy - bây giờ/ Mãi còn vang vọng ngọn cờ quang vinh/ Máu các chị, máu các anh/ Thấm vào lòng đất tươi xanh núi đồi...".